Vụ hoa thất bát, rất nhiều nông dân phải đóng cửa trốn tết. Nhưng bây giờ họ phải mở cửa nhà để đối diện với những khoản nợ đến hạn...
Chúng tôi đã nhìn thấy những giọt nước mắt chảy trên gương mặt rám nắng của người trồng hoa ở làng hoa Mỹ Phong, TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) khi nhắc đến nợ.
Đóng cửa trốn tết
Trưa 25-2 (tức mùng 7 tết), ông Phan Văn Thế- tổ phó Tổ hợp tác trồng hoa Mỹ Phong, chạy xe máy đến từng nhà tổ viên để thông báo đúng một câu: “Đúng 8g sáng mai đem tiền vay ngân hàng đến trả nợ gốc và lãi”.
Ông không dám nấn ná lại lâu, cũng không cần hỏi kết quả sản xuất vụ hoa tết của họ bởi hơn ai hết ông biết rất rõ người nào có lãi, người nào thua lỗ.
Tổ hợp tác đứng ra vay 700 triệu đồng chia cho nông dân làm vốn trồng hoa. Nay đã đến hạn phải thu hồi trả lại cho ngân hàng. Ông biết nhiều người rất đuối với số nợ này nhưng trong cảnh khó như nhau thì mỗi người phải tự xoay sở.
Sau khi ông Thế phóng xe đi rồi, bà Nguyễn Thị Chúc ngồi thẫn thờ bên xấp tiền lẻ và hai quyển sổ ghi nợ vật tư nông nghiệp và công chăm sóc hoa.
“Tổ hợp tác mới thông báo sáng mai đem 10 triệu đồng đến trả nợ ngân hàng. Bây giờ gom hết cũng chưa đủ, mà nợ này bắt buộc phải trả đúng hạn thì năm sau mới vay được nữa”- bà Chúc rơm rớm.
Bà Chúc là hộ nghèo của xã Mỹ Phong. Bà có kinh nghiệm trồng hoa tết hơn 23 năm trời nhưng mãi cũng không khá lên được. Vụ hoa tết năm 2015 này bà thuê 1,5 công đất trồng 3.000 giỏ hoa cúc, vạn thọ các loại để bán với hi vọng sẽ có lãi chút đỉnh trả nợ cũ.
Sau bốn tháng trời dãi nắng, dầm sương chăm sóc hoa cực khổ, bà háo hức đăng ký với Phòng Quản lý đô thị TP Mỹ Tho mua một lô bán hoa mấy ngày tết. Lá thăm xui rủi đẩy bà vào kẹt đường Thiên Hộ Dương.
Thuê xe chở 200 giỏ hoa ra ngồi suốt hai ngày chẳng có ai hỏi mua. Bí quá bà đem hoa ra vệ đường QL50 bán được một ít. Đến 30 tháng chạp, khi những người có chỗ đẹp ở chợ hoa bán hết đi về bà đem hoa ra đó bán được thêm ít nữa.
Nhưng tết đã đến, không còn ai mua hoa nữa. Hơn 1.000 giỏ hoa còn ở ruộng chưa kịp đem ra chợ đành phải bỏ.
Tối 30 tháng chạp, đón giao thừa xong bà Chúc đếm tiền bán hoa chỉ được hơn 15 triệu đồng, trong khi các khoản vay đầu tư vụ hoa lên đến hơn 35 triệu đồng.
Buồn, không biết làm sao trả hết nợ, bà đóng cửa nhà nằm khóc suốt mấy ngày.
“Tết này tui không về thăm gia đình hai bên dù họ ở gần nhà đây. Trong nhà chẳng có thịt, chẳng có bánh mứt gì cả. Trong đầu tui chỉ nghĩ đến nợ mà thôi. Mai đem trả 10 triệu đồng cho ngân hàng. Các khoản vay nóng bên ngoài và nợ đại lý vật tư chắc phải xin gia hạn thêm chờ trồng rau cải kiếm tiền trả dần”- bà Chúc buồn bã.
Hoa đổ, nợ đuổi
Băng qua một cánh đồng ngập tràn hoa bị ế, chúng tôi gặp bà Trương Thị Kim Anh ngồi bó gối trước cửa nhà.
Bà tâm sự: “Tui đang nghĩ cách chạy vay tiền để mai đem trả nợ ngân hàng theo thông báo của tổ hợp tác. Vụ hoa vừa rồi tui trồng 4.500 giỏ mà chỉ bán được 28 triệu đồng thôi. Ngoài ruộng còn hơn 1.000 giỏ chưa kịp chở ra chợ thì phải trút bỏ”.
Thông qua Tổ hợp tác trồng hoa Mỹ Phong, bà Kim Anh vay được 6 triệu đồng. Số tiền này chẳng thấm vào đâu nên bà đi vay nóng bên ngoài 20 triệu đồng nữa để trồng hoa. Cũng bốc phải lá thăm lô bán hoa nằm trong kẹt đường nên không bán được.
Bà cũng chở hoa ra QL50 và những nơi khác để bán nhưng cũng không thể bán hết 4.500 giỏ hoa đã trồng. Bà Kim Anh cho biết mấy ngày tết vừa rồi bà đóng cửa nhà trốn biệt và chỉ ăn cơm với chao. Bây giờ bà phải lo chạy cho đủ 40 triệu đồng giải quyết các khoản nợ đang bao vây. Hiện bà đã vay được một ít nhưng lãi suất rất cao, 5%/tháng.
“Chúng tôi bị bỏ rơi!”
Trở lại làng hoa Mỹ Phong nổi tiếng mấy chục năm qua, gặp bát cứ người trồng hoa nào họ cũng đều than vãn chuyện bị chính quyền địa phương bỏ rơi nhiều năm qua.
Ông Phan Văn Thế, tổ phó Tổ hợp tác trồng hoa Mỹ Phong, nói cách đây mấy năm thành phố Mỹ Tho bố trí chợ hoa trên đường Hùng Vương nối dài. Khi ra đây nông dân phải chịu cảnh bán hoa trên sa mạc vì chẳng có cây xanh mà nắng khủng khiếp lại không cung cấp đủ nước tưới nên hoa chết khô.
Trưa 30 tháng chạp thì cho xe rác đến xúc hết hoa để trả lại mặt bằng khiến người dân khóc như đưa đám. Năm sau thành phố dời chợ hoa xuân trở lại khu vực Công viên Lạc Hồng như cũ.
Nhưng tại đây, người trồng hoa thực thụ của thành phố bị đưa vào những con đường nhỏ hoặc trong kẹt không thể bán được. Mặc dù đã phản ánh với UBND thành phố Mỹ Tho rất nhiều, nhưng đâu lại cũng vào đấy
Bà Nguyễn Thị Chúc bức xúc: “Phòng Quản lý đô thị mời dân tới bốc thăm công khai nhưng người trồng hoa Mỹ Phong lại bị cho bốc sau. Mỗi lần bốc họ cho một ít thăm vào. Đến khi bốc thì toàn trúng chỗ trong kẹt đường.
Những lá thăm lô đẹp ở mặt tiền đường đều được cho vào trước để những người khác bốc hết. Khi bốc thăm xong có người rao bán cho chỗ đẹp với giá 5 triệu đồng, mà tiền đâu có mà mua chứ?".
Nhắc chuyện này, bà Trương Thị Kim Anh nổi nóng: “Tui có bằng chứng một người đi làm việc ở tỉnh này không hề trồng hoa nhưng lại có 3 lô liền kề mặt tiền đường Trưng Trắc. Người này mua hoa về bán lại kiếm lời. Bốc thăm thì làm sao bốc trúng 3 lô liền kề chỗ đẹp như vậy?".
Theo ông Trương Văn Nhung, tổ trưởng Tổ hợp tác trồng hoa Mỹ Phong, vụ hoa tết 2015 có 175 hộ trong xã trồng hoa với sản lượng 600.000 giỏ hoa các loại.
Tuy nhên trước khi Phòng Quản lý đô thị TP Mỹ Tho tổ chức bốc thăm thì người dân đã nghe tin những chỗ đẹp đã được “cấp” cho người ở ngoài tỉnh và những người không trồng hoa rồi.
Chính vì thế chỉ có 81 hộ đi bốc thăm, còn lại lo chạy đi các nơi tìm chỗ để bán. Kết quả: chỉ có 50% hộ bắt được vị trí khá tốt, còn lại bị dồn vào các đường nhỏ không có người lui tới.
“Vụ hoa này nông dân thua lỗ nặng cũng vì không có chỗ bán hoa mấy ngày tết. Những hộ chạy đi tìm chỗ khác bán cũng không khá hơn”- ông Nhung nói.