Ngày 14/5, theo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Lâm Đồng, hiện Tây Nguyên đang bước vào thời điểm giao mùa giữa mùa nắng và mùa mưa trong năm nên nhiều loại dịch bệnh có xu hướng phát triển mạnh trên các loại cây trồng. Riêng với cây cà phê, đây là giai đoạn phát triển mạnh của các loại rệp gây hại; bởi cây cà phê đang bắt đầu kết trái non - một trong những nguồn thức ăn của rệp. Hiện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 4.178ha cà phê bị các loại rệp gây hại. Chi cục BVTV Lâm Đồng cho biết, qua khảo sát, hiện trên cây cà phê Lâm Đồng có 3 loại rệp gây hại chính là rệp sáp, rệp vảy nâu và rệp vảy xanh. Rệp sáp (Pseudococus spp.) thường xuất hiện trên quả và rễ cây cà phê; chúng chích quả và rễ để hút nhựa khiến cho quả khô và rụng, cây kém phát triển. Rệp sáp gây hại quanh năm; trong đó, tập trung vào thời kỳ cà phê cho quả non ở thời điểm giao mùa nắng mưa của Tây Nguyên. Rệp vảy nâu (Coccus hesperidum Linnaeus) cũng xuất hiện quanh năm trên cây cà phê; chúng chích hút dinh dưỡng làm khả năng phát triển của cây bị ảnh hưởng. Chất thải do rệp vảy nâu thải ra trên cây ký chủ có vị ngọt tạo nên môi trường thích hợp cho nhiều loại bệnh khác phát triển (nhất là bệnh bồ hóng, hoặc nhiều loài kiến đến sống cộng sinh), đồng thời làm cho khả năng quang hợp của cây trở nên kém, dẫn đến trái cà phê nhỏ hơn so với bình thường và chất lượng nhân cũng bị ảnh hưởng. Rệp vảy xanh (Coccus viridis Green) thường gây hại trên lá, dọc gân chính trên đọt và trên trái non. Sau khi hút chất dinh dưỡng của cây, cũng giống như rệp vảy nâu, rệp vảy xanh thải ra chất có vị ngọt nên dẫn dụ nhiều loài kiến đến cộng sinh và đó còn là môi trường rất thích hợp của bệnh bồ hóng phát triển; do vậy, cây cà phê trở nên còi cọc, lá biến thành màu vàng và khô rụng.
Theo bà Nguyễn Thị Hà - cán bộ chuyên môn của Chi cục BVTV Lâm Đồng, sau khi nghiên cứu, cơ quan hữu trách đã đưa ra biện pháp phòng trừ như sau: Ngoài việc vệ sinh đồng ruộng, tưới nước và bón phân đầy đủ, thường xuyên kiểm tra vườn cây... thì để hạn chế cao hơn những thiệt hại do các loại rệp gây ra trên cây cà phê, bà con nông dân có thể luân phiên sử dụng các loại thuốc Abamectin 0.3% + Petroleum oil 88% (Visober 88.3EC), Chlorpyrifos Ethyl (Anboom 40EC), Cypermethrin (SecSaigon 50EC), Imidacloprid (Saimida 100L, T-email 10WP, Midan 10WP), Chlorpyrifos Ethyl + Cypermethrin (Tadagon 700EC, Sairifos 585EC), Chlorpyrifos Ethyl + Imidacloprid (Dizorin super 55EC), Acephate (Lancer 50SP), Benfuracarb (Oncol 20EC), Alpha-Cypermethrin (Fastac 5EC), Alpha-Cypermethrin + Profenofos (Profast 21EC)... để phun xịt theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.