Do dân cư nằm rải rác, phân tán nên lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày trên địa bàn huyện Xuyên Mộc mới chỉ thu gom được 53%. Trong khi đó, bãi chôn lấp rác tạm ở xã Bưng Riềng cũng đã hết diện tích chôn lấp. Thực tế này khiến huyện Xuyên Mộc gặp nhiều khó khăn trong việc thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt.
Mới thu gom được 53% rác thải
Gia đình ông Nguyễn Hưng, nhà ở tổ 3, ấp Bàu Chiên, xã Tân Lâm (huyện Xuyên Mộc) mỗi ngày thải khoảng 3-5kg rác sinh hoạt, trong đó chủ yếu là các loại bao ni lông, rác hữu cơ như rau, củ quả và các thứ lá cây trong vườn. Ông Hưng cho biết, khu vực nhà ông thuộc vùng sâu, vùng xa nên xe thu gom rác sinh hoạt chưa vào đến nơi. Để bảo đảm vệ sinh, toàn bộ rác thải sinh hoạt hàng ngày gia đình ông gom lại trong vườn và 2 ngày đốt một lần.
Đây cũng là tình trạng phổ biến ở nhiều hộ dân thuộc các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Xuyên Mộc. Ông Dương Biên, trưởng ấp Bàu Chiên cho biết, ấp Bàu Chiên hiện có 12 tổ nhưng chỉ có 6 tổ nằm dọc tỉnh lộ 328 được thu gom rác, phí thu gom 20.000 đồng/hộ/tháng. Theo đó, cách một ngày rác thải sinh hoạt của 6 tổ này được thu gom một lần đưa về bãi rác Bưng Riềng. “Vì đa số các hộ dân sống ở vùng nông thôn đã quen với việc tự đào hố rồi chôn rác hoặc đốt rác ngay trong vườn nên để thu gom rác của 6 tổ này, chúng tôi phải rất vất vả đến vận động từng hộ dân thực hiện”, ông Biên cho biết.
Ông Nguyễn Quốc Nhật, Chuyên viên Phòng TN-MT huyện Xuyên Mộc cho biết, với dân số khoảng 160.000 người, tổng lượng rác phát sinh trên địa bàn huyện Xuyên Mộc khoảng 75 tấn/ngày. Tuy nhiên, khối lượng rác thu gom được trên địa bàn huyện hiện nay chỉ khoảng 40 tấn/ngày, khoảng 53% so với lượng rác thải. Theo ông Nhật, nguyên nhân là do dân cư sống rải rác nên việc thu gom xử lý rác sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn. Công tác thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt chủ yếu được thực hiện ở khu đô thị, khu dân cư tập trung thuộc các xã lân cận thị trấn Phước Bửu, còn lại một lượng lớn rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa là người dân tự thu gom, xử lý. Cũng theo phản ánh của Phòng TN-MT huyện Xuyên Mộc, mặc dù khoản tiền thu gom rác thải sinh hoạt mỗi tháng chỉ 20.000-25.000 đồng/hộ, nhưng nhiều hộ dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện không chịu đóng. Hoặc nếu có thì chỉ một hộ đóng nhưng có đến 3-4 hộ cùng đổ rác chung. Trong khi đó, việc thu gom rác thải sinh hoạt ở khu dân cư hiện nay vẫn thực hiện bằng phương thức xã hội hóa (giao cho một đơn vị tư nhân ở xã) thực hiện thu gom. Phí thu gom ít, đường xa, dân cư sống không tập trung nên nhiều tổ dân cư ở các xã như: Bông Trang, Tân Lâm, Hòa Hiệp, Hòa Hội… đã không thực hiện được việc thu gom rác thải sinh hoạt. Do đó, tại huyện Xuyên Mộc rác thải sinh hoạt phần lớn do các hộ dân tự xử lý trong khuôn viên nhà, một phần được đẩy ra đường, kênh mương hoặc các bìa rừng hay bãi đất hoang.
Chôn lấp rác chưa hợp vệ sinh
Theo báo cáo của huyện Xuyên Mộc, trong số 40 tấn rác thải được thu gom mỗi ngày, chỉ có 20 tấn được vận chuyển đổ vào bãi chôn lấp tạm ở xã Bưng Riềng. Số lượng rác còn lại các xã thu gom về đốt tạm tại bãi rác của xác xã, phần tro và rác không cháy sẽ được vận chuyển về đổ tại bãi rác xã Bưng Riềng.
Được biết, bãi chôn lấp rác tạm xã Bưng Riềng được xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động từ tháng 3-2012 với quy mô là 3 khoang chứa rác (có kích thước mỗi khoang là 80m x 33m x 8m) trên tổng diện tích toàn bộ khu vực là 4ha. Theo quy trình chôn lấp, rác phải được đổ 3 lớp, mỗi lớp phủ đất chôn lấp 20cm với chiều cao 7m. Tuy nhiên, do hệ thống đường nội bộ chưa hoàn thiện, hệ thống thu gom và xử lý nước thải không hoạt động nên đơn vị vận hành chỉ thực hiện theo hình thức đổ đầy khoang sau đó dầm chặt và đổ cát san lấp. Hiện tại đơn vị vận hành là Công ty CP Dịch vụ đô thị và công cộng huyện Xuyên Mộc đã dầm cát đóng khoang chứa rác thứ nhất, công ty đang đổ cát để đóng khoang thứ 2 và đổ rác ở khoang thứ 3, dự kiến hết năm 2015 sẽ đầy cả 3 khoang. Từ thực tế trên cho thấy nguy cơ ô nhiễm môi trường từ bãi rác Bưng Riềng là rất cao. Nếu không có giải pháp kịp thời thì tình trạng rác ở bãi bị ứ đọng, hết diện tích chôn lấp cũng không thể tránh khỏi.
Tại cuộc họp mới đây với UBND tỉnh về việc quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ông Mai Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết, bên cạnh khó khăn nêu trên, huyện Xuyên Mộc còn gặp nhiều vướng mắc trong quá trình thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt. Ngoài phương tiện chuyên dùng của Công ty CP Dịch vụ đô thị và công cộng huyện Xuyên Mộc, các xã vận chuyển rác bằng xe tải tự chế đã gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, lệ phí thu gom rác thấp, trong khi đó khoảng cách vận chuyển lại xa, dân cư thưa thớt nên khó khăn cho các đơn vị thực hiện, hạn chế việc xã hội hóa công tác thu gom và xử lý rác tại địa bàn các xã. UBND huyện Xuyên Mộc cũng đề nghị Sở TN-MT kiến nghị UBND tỉnh xem xét cho đầu tư xây dựng bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt xử lý theo phương án chôn lấp hợp vệ sinh như bãi chôn lấp của Công ty TNHH Kbec Vina (Khu xử lý chất thải tập trung 100ha xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành) với công suất khoảng 70 tấn/ngày.