Tính đến tháng 10/2015, sản lượng chanh của Long An hơn 100.000 tấn. Trong 7.000 ha cây chanh, đã có 6.000 ha đang thu hoạch, năng suất bình quân 200 tạ/ha. Gia đình anh Trần Quốc Phúc ở ấp 3, xã Thạnh Hòa (Bến Lức) rất thành công với mô hình trồng chanh không hạt, với diện tích 3,5 ha. Anh tâm sự, cây chanh không hạt trồng trong vòng 20 tháng là cho trái. Giống chanh này có trái quanh năm, trung bình mỗi cây trên 1.000 trái, khoảng 70-100 kg/cây/năm. Chanh không hạt trái to, 6-7 quả/kg, vỏ mỏng màu xanh sáng, nhiều nước và vị chua có mùi thơm. Theo anh Phúc, trồng chanh không hạt có thể thu hoạch trên 10 năm cây mới bị lão hóa. Giá bán tại vườn dao động từ 8.000-9.000 đồng/kg, có lúc lên đến 42.000 đồng/kg vẫn không đủ đáp ứng theo đơn đặt hàng. Hiện nay, vườn chanh của anh Phúc được Công ty TNHH MTV The Fruit Rebulic Cần Thơ bao tiêu sản phẩm nên đầu ra ổn định. Một tháng anh thu hoạch hai lần, cho sản lượng từ 1,5 - 2 tấn/tháng. Trồng chanh không hạt đem lại mức thu nhập hàng năm cho gia đình anh khoảng hơn 2 tỷ đồng. Từ hộ gia đình nhiều khó khăn trước đây, đến nay gia đình anh Phúc đã vươn lên giàu có của huyện Bến Lức. Vườn chanh không hạt của gia đình anh được đánh giá đẹp và năng suất cao nhất huyện (năng suất chanh bình quân của huyện là 25-30 tấn/ha/năm thì vườn của anh thu được 50 tấn/ha trong năm 2014). Cũng là người dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, tìm hướng đi mới cho nông sản, bà Nguyễn Thị Ba ở ấp 7, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức đã trở thành “tỉ phú nông dân”, gặt hái nhiều thành công với thương hiệu chanh không hạt VICA. Hiện tại, gia đình bà Ba đã thành lập cơ sở thu mua và đóng gói với đầy đủ thiết bị sơ chế, rửa trái, diệt khuẩn và phân loại kích cỡ phục vụ cho xuất khẩu. Dự kiến phát triển diện tích chanh của Long An đến năm 2020 là 10.000 ha, thực hiện sản xuất theo hướng VietGAP, sử dụng công nghệ bảo quản, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Mỗi ngày, gia đình bà cung cấp cho thị trường khoảng 10 tấn chanh tươi, thời điểm chính vụ lên tới 40 tấn/ngày. Trong đó, khoảng 80% dành xuất khẩu sang Thái Lan, Malaysia, Singapore và các nước Trung Đông. Sau khi trừ chi phí, hàng năm, gia đình bà thu lợi nhuận khoảng 3 tỉ đồng. Vươn ra thế giới Trong vài năm trở lại đây, cây chanh được nông dân các huyện Bến Lức, Tân Thạnh, Đức Huệ tích cực trồng thử nghiệm. Đặc biệt, từ khi giá mía giảm mạnh, phần lớn diện tích mía ở huyện Bến Lức được chuyển sang trồng chanh xuất khẩu. Long An là tỉnh sản xuất chanh lớn nhất vùng ĐBSCL với diện tích chiếm hơn 27% tổng diện tích vùng và trên 15% diện tích cả nước. Hiện diện tích chanh đạt chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn VietGAP là 60 ha, vượt chỉ tiêu đặt ra cho việc xây dựng mô hình là 40 ha. Tuy nhiên, với diện tích hơn 7.000 ha chanh trên địa bàn tỉnh hiện nay thì con số này còn khá khiêm tốn. Hiện nay, với giá tương đối ổn định từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg, trồng chanh xuất khẩu cho lợi nhuận đạt từ 200 đến 300 triệu đồng/ha. Khi nói đến cây chanh, nông dân ở các xã ven sông Vàm Cỏ Ðông trên địa bàn huyện Bến Lức, Đức Huệ đều tỏ ra phấn khởi. Gần 10 năm qua, cây chanh luôn mang lại "vị ngọt" cho người dân sau mỗi vụ thu hoạch. Sở Công thương Long An cho biết, chỉ riêng kim ngạch xuất khẩu của trái cây sang thị trường EU trong tháng 9/2015 đạt gần 27 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của trái chanh chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 9 triệu USD, chiếm 33,6%, kế tiếp là thanh long và khóm. Nếu ngành hàng chanh của Việt Nam nói chung và chanh Long An nói riêng được đầu tư đúng hướng, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp ATVSTP thì kim ngạch xuất khẩu của trái chanh sẽ còn tăng hơn nữa trong thời gian tới. Theo một số chủ trang trại chanh ở huyện Bến Lức, sản lượng chanh hiện nay ở Long An vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Với mục tiêu phát triển thành vùng sản xuất chanh thương phẩm, tập trung, mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định cho cả người sản xuất và DN, hướng đến xuất khẩu bền vững, UBND tỉnh Long An đã phê duyệt Đề án "Sản xuất và tiêu thụ chanh thương phẩm tỉnh Long An". Đẩy mạnh xây dựng mô hình liên kết, hợp tác Theo các chuyên gia, để phát triển vùng chanh bền vững, cần thiết phải có chính sách hỗ trợ nông dân qua các lớp tập huấn, chi phí đánh giá và chứng nhận VietGAP lần đầu; đẩy mạnh chuyển giao TBKT và ứng dụng KHCN vào sản xuất thông qua các tổ chức tập thể làm hạt nhân. Phải có sự liên kết giữa các hộ nông dân sản xuất chanh, liên kết giữa các tổ hợp tác, HTX sản xuất chanh thành những liên hiệp HTX đủ mạnh trong sản xuất và có khả năng cung cấp ổn định về số lượng và chất lượng sản phẩm chanh