Xin bắt đầu với câu chuyện một Tập đoàn kinh tế sau thành công nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực, họ tiếp tục khẳng định sức mạnh với mô hình đầu tư nông nghiệp khép kín với sứ mệnh cao cả là vì sức khỏe người dân.
Theo đó, Tập đoàn này đầu tư mấy nghìn tỷ để kinh doanh nông sản sạch với mô hình khép kín, từ trồng trọt cho đến buôn bán hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi của chính mình. Ngoài ra, họ còn liên kết với các nước như như Israel, Nhật Bản, Hà Lan… để nhận tư vấn và chuyển nhượng công nghệ, kỹ thuật, giống và thiết bị nông nghiệp. Trong tất cả sứ mệnh ấy, hoàn toàn không có bóng dáng của người nông dân.
Phải nói thêm rằng, đây không phải là đơn vị có tiềm lực kinh tế mạnh đầu tiên tuyên bố sứ mệnh vì sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam liên quan đến các dự án nông nghiệp. Họ hướng người tiêu dùng đến những món ăn xanh được đảm bảo về an toàn sức khỏe, hoàn toàn không có thuốc trừ sâu, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật như cái cách mà báo giới ưu ái dành cho sản phẩm của người nông dân Việt Nam.
Những giọt nước mắt của người nông dân trồng dưa hấu, hành tím, thanh long, chanh… chưa bao giờ đủ sức làm mềm lòng những người làm công tác truyền thông của đất nước mình. Thay vì giúp người nông dân tìm một giải pháp với sự hỗ trợ của những ban ngành vốn dĩ có trách nhiệm thực hiện điều đó, họ thản nhiên ném một mớ hồ nghi cho người sử dụng, rồi ráo hoảnh đứng dậy bỏ đi chỗ khác.
Vô tình hay hữu ý, họ phát quang sẵn một con đường cho những tập đoàn kinh tế vững bước tiến lên.
1. Cô Sáu, 53 tuổi, quê Vĩnh Long. Cô Sáu không có gì đặc biệt cả, ngoại trừ, cô là biểu trưng cho phụ nữ miền Tây Nam Bộ với gia sản lớn nhất là mấy sào đất trồng chanh trên cù lao mà gia đình cô Sáu đang sinh sống.
Những đứa con của cô Sáu vì mưu sinh đã ly hương, họ làm đủ thử nghề ở Sài Gòn. Một thế hệ thanh niên hăm hở rời quê với hành trang duy nhất là sức khỏe. Họ lập gia đình tại nơi này, ở trọ, sinh con rồi gửi cháu về quê cho cô Sáu.
Vài tháng trước, vườn chanh nhà cô Sáu chuẩn bị cho thu hoạch. Cô Sáu nhẩm tính sẽ thu được vài mươi triệu đồng, trừ hết tiền phân bón cô lãi được tầm 10 triệu. Cũng cần phải nhớ, giá phân bón bây giờ đã tăng chóng mặt.
Cô dự định khi có tiền, sẽ mua cho các cháu mấy bộ đồ mới, thêm một ít sữa mà cô thấy quảng cáo trên tivi mỗi ngày.
Tiếc thay, giá chanh lâm vào cơn đại khủng hoảng, chanh đẹp còn độ 1 nghìn/ký.
Cô Sáu lâm vào bi kịch khác, tổng thu hoạch của vườn chanh không đủ tiền phân chứ đừng nói đến ý định lấy công làm lời.
Mọi thứ đang vô cùng bế tắc, nhất là khi cô con dâu của cô Sáu chuẩn bị sinh cháu thứ hai và hướng toàn bộ hy vọng vào túi tiền quê của cô Sáu.
Cô Sáu chỉ là một trong hàng triệu người nông dân Việt Nam đang lâm vào bế tắc ngay trên mảnh đất nông nghiệp này.
2. Trong buổi hầu chuyện với Giáo sư Võ Tòng Xuân, tôi thưa với ông câu chuyện mà tôi biết.
Có một Việt kiều Đức nuôi cá rô phi ở ngay miền Tây Nam Bộ, nuôi theo dây chuyền VietGAP, người Việt kiều này sử dụng hệ thống đèn chiếu sáng và lưới điện để đánh bẫy như con mối, thiêu thân… cho cá ăn, hoàn toàn không tốn tiền mua thực phẩm. Và mỗi lần xuất cá là xuất khẩu sang Đức với giá trị hàng triệu USD. Đây là chuyện không khó nhưng vì sao người nông dân chúng ta vẫn không thực hiện được.
“Ông Việt kiều Đức làm được vì ông Việt kiều này có mối lấy hàng từ Đức. Còn người nông dân mình không làm được chuyện này là vì không có doanh nghiệp đứng sau, không có thị trường. Doanh nghiệp phải đứng ra hướng dẫn kỹ thuật, đảm bảo đầu ra cho người nông dân, chứ người nông dân làm sao mà biết được. Người nông dân chỉ biết nuôi xong mang ra ngoài chợ bán hoặc bán đại trà cho các nhà máy chế biến cá”, Giáo sư Võ Tòng Xuân trả lời.
Rõ ràng, người nông dân Việt Nam thiếu hẳn một doanh nghiệp đứng sau lưng. Mà nếu có, cũng chỉ là doanh nghiệp nước ngoài.
“Ví dụ như độ 10 năm trước, doanh nghiệp Bourbon của Pháp sang tìm hiểu thị trường tại Việt Nam, họ thấy vùng Tây Ninh thích hợp cho cây mía. Họ đã đầu tư quy hoạch vùng, hệ thống tưới tiêu, và xây Nhà máy đường hiện đại nhất châu Á, đảm bảo đầu ra cho cây mía Tây Ninh. Vậy mà, bây giờ các vùng quy hoạch mía đó đã trồng củ mì (sắn), mảng cầu, cao su có giá hơn, người nông dân đã tự ý chuyển đổi cây trồng, phá vỡ quy hoạch. Tất nhiên đây cũng có một phần lỗi của người nông dân, nhưng chúng ta không thể bắt người nông dân cứ trồng mía trong lúc trồng các thứ cây khác lại có hiệu quả kinh tế cao hơn. Vấn đề là các nhà máy đường chưa có khoa học kỹ thuật đảm bảo trồng mía có lời nên chưa thuyết phục được người nông dân trung thành với cây mía”, vẫn dẫn lời Giáo sư Võ Tòng Xuân.
3. Tự rất lâu rồi, nền nông nghiệp của chúng ta vẫn thường được nhắc đến với nguyên tắc “Bốn nhà”. Bao gồm, nhà nông – nhà khoa học – nhà quản lý và Nhà nước.
Tuy nhiên, không hiểu bằng cách nào mà ngoại trừ nhà nông đang khóc ròng với Nông nghiệp. Còn lại ba nhà kia chỉ mờ mờ nhân ảnh, áo giấy đi đêm.
Còn người nông dân thì biến thành nông dân tự do nhất thế giới. Muốn trồng cây gì cũng được, muốn canh tác ra sao cũng được, muốn áp dụng phương pháp trồng trọt sao cũng được, muốn bán với giá cả sao cũng được. Cái vòng luẩn quẩn ấy kéo dài mãi cho đến khi người nông dân đấm ngực trách trời vì lâm vào tình huống, được mùa mất giá. Không chỉ được mùa mất giá, còn thêm cái họa của truyền thông gieo vào mà những sản phẩm nông nghiệp manh mún phải hứng trọn.
Sẽ không có lối thoát cho người nông dân Việt Nam, hay đích xác hơn là trong cuộc chiến không cân sức giữa những tập đoàn lớn mạnh và người nông dân thì chắc chắn người nông dân sẽ cầm chắc phần thua.
4. Lại có thêm những cá nhân như cô Sáu mà tôi đã kể ở phần trên bài viết, những cá nhân vốn thuần nông phải rời quê để lên Sài Gòn kiếm sống.
Họ kiếm sống bằng công việc giúp việc ở quán ăn, bán vỉa hè hay phụ việc nhà cho người khác.
Tôi tin rằng, Tập đoàn kia đang thật sự vì người tiêu dùng Việt Nam với sứ mệnh đầy cao cả. Chỉ là, khi Tập đoàn ấy mải mê với sứ mệnh của mình, họ nghiễm nhiên gạt người nông dân sang một bên, tạm gọi là bên thua cuộc.
Kẻ mạnh, là kẻ biết chìa tay ra chứ không phải đạp lên vai người khác, tôi từng được dạy như vậy. Nhất là khi, kẻ mạnh ấy đi đến đâu cũng nói về sứ mệnh với cộng đồng.