Thậm chí, một lãnh đạo xã cũng bảo: “Thấy người dân trong xã trồng nhiều quá, anh em chúng tôi cũng trồng theo… Rồi vị lãnh đạo này giải thích, người dân trồng thì mình cũng trồng, chứ mai này, tiêu “trúng” người dân lại chê lãnh đạo “lười biếng” không làm, lúc đó quê lắm…”.
Thực tế, trong những năm gần đây, giá hồ tiêu luôn ở mức “đỉnh” từ 170 – 200 ngàn đồng/kg, thậm chí có thời gian lên trên 220 ngàn đồng/kg. Với giá này, người trồng tiêu có lợi nhuận rất cao, chính điều này trở thành “ma lực” hấp dẫn nông dân đua nhau trồng hồ tiêu.
Tuy nhiên, điều đáng nói, nhiều hộ dân đã trồng hồ tiêu bằng mọi giá, tận dụng tối đa các loại đất để trồng mà không xem xét có phù hợp với việc phát triển cây tiêu hay không.
Thực tế cho thấy, mặc dù đang bước vào mùa thu hoạch mủ cao su nhưng tại nhiều nơi trong tỉnh Đăk Nông, người dân dường như chẳng còn mặn mà với công việc thu hoạch mủ. Bởi trước giá mủ cao su xuống quá thấp, người dân tự chuyển đổi sang trồng cây khác. Thực trạng này diễn ra tại nhiều nơi như xã Nhân Đạo, huyện Đăk R’Lấp; xã Đăk R’Moan, thị xã Gia Nghĩa…
Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, diện tích cao su bị người dân phá bỏ đã lên đến hàng trăm hecta để thay vào đó là cây tiêu. Trong đó, có hàng chục hecta cao su được người dân giữ lại theo phương thức chắn rễ, rong tỉa, hãm ngọn cây để làm trụ sống trồng hồ tiêu.
Giá một trụ bê tông hiện nay có giá trên dưới 200.000 đồng, trụ gỗ không dưới 250.000 đồng. Với diện tích 1 ha trồng 1.000 trụ tiêu, tính ra tiền đầu tư trụ đỡ lên đến mấy trăm triệu đồng. Việc chi phí cho trồng hồ tiêu quá lớn nên nhiều hộ dân đã tiến hành rong tỉa lại hàng ngàn gốc cây cao su có sẵn trong vườn để làm trụ tiêu sống, vừa tiện, vừa nhanh lại vừa tiết kiệm tiền.
Về yếu tố kỹ thuật, cây hồ tiêu rất nhạy cảm với nấm bệnh, đặc biệt là nấm phytophthora, tác nhân gây ra bệnh héo chết nhanh. Trong khi cây cao su lại là ký chủ của loại nấm này, lại thêm nấm trắng, nấm hồng. Hồ tiêu là cây trồng khó tính và chưa ai khẳng định hiệu quả kinh tế khi sử dụng cây cao su làm trụ.
Bên cạnh đó, cây cao su là cây ưa thoáng ở gốc, nếu cho vào dây tiêu phát triển kín phía dưới sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh rất cao. Do vậy, cách làm này là chưa đảm bảo cơ sở khoa học, mặc dù, thực tế đã có một số hộ dân tự phát trồng hồ tiêu cho leo trên cây cao su.
Trước thực trạng này, hiện ngành Nông nghiệp tỉnh Đăk Nông đã có văn bản đề nghị các địa phương phối hợp thống kê số diện tích cây cao su trên địa bàn, đồng thời đề nghị UBND các địa phương có diện tích trồng cao su, nhất là cao su tiểu điền đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo nông dân không nên phá bỏ cao su để chuyển sang trồng các loại cây trồng khá