Các chi cục quản lý thị trường các tỉnh phía Nam cho biết họ đang gặp khó khăn trong việc xử lý phân bón giả, kém chất lượng vì pháp luật (Nghị định 163) không giao cho họ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính những trường hợp này.
Hôm nay, 4-12, tại Vũng Tàu, Cục quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương đã tổ chức “Hội nghị tuyên truyền và chia sẻ kinh nghiệm phòng chống phân bón giả, kém chất lượng”, với sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón; cũng như các chi cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phía Nam.
Báo cáo của một số chi cục quản lý thị trường tại hội nghị cho thấy tình trạng sản xuất và kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng đang diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của người nông dân cũng như tác động xấu đến nền kinh tế của đất nước.
Cụ tể, từ đầu năm đến nay, Chi cục quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp kiểm tra 130 mẫu phân bón thì phát hiện21 mẫu không đảm bảo chất lượng; Chi cục quản lý thị trường TPHCM kiểm tra 41 trường hợp thì có đến 23trường hợp vi phạm; Chi cục quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng kiểm tra 105 đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón thì phát hiện 46 trường hợp vi phạm; Chi cục quản lý thị trường Tiền Giang lấy 44 mẫu phân bón gửi thử nghiệm thì có 10 mẫu không đạt chất lượng
Ông Đỗ Văn Phước, Chi cục trưởng chi cục quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang, cho biết phương thức, thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, kinh doanh phân giả, kém chất lượng rất tinh vi, như: xâm phạm quyền đối với các nhãn hiệu được bảo hộ - gắn dấu hiệu trên bao bì tương tự các nhãn hiệu nổi tiếng - gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; trộn phân giả với phân thật; bán phân giả với giá rẻ…
Theo phản ánh của các chi cục quản lý thị trường, việc phát hiện các trường hợp sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ đã khó nhưng để xử phạt được các trường hợp này càng khó hơ
Theo ông Phước, pháp luật hiện nay (Nghị định 163 năm 2013) không quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho quản lý thị trường trong trường hợp phát hiện phân bón giả, kém chất lương… Do đó, khi quản lý thị trường chuyển các vụ việc phân bón không đảm bảo chất lượng cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền lập biên bản vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính (thanh tra Sở Công Thương) thì xảy ra tình trạng cơ quan này đề nghị hoặc xử phạt không đúng như đề nghị của quản lý thị trường.
Hay như, theo quy định của pháp luật, đối với kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về chất lượng hàng hóa thì các ngành chức năng phải lấy mẫu gửi thử nghiệm chất lượng (không được phép tạm giữ hàng hóa khi lấy mẫu do chưa có căn cứ, lý do tạm giữ). Trong khi thời gian kiểm nghiệm thường kéo dài 3, 4 tháng nên khi có kết quả kiểm nghiệm thì lô hàng phân bón vi phạm có thể đã được tiêu thụ hết…
Vì vậy, tại hội nghị, các chi cục quản lý thị trường kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi Nghị định 163theo hướng bổ sung quyền lập biên bản vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng quản lý thị trường; ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân bón; sớm công bố danh sách cấp giấy phép sản xuất phân bón trên cổng thông tin của Bộ Công Thương…