Lưới chụp là một nghề khai thác hải sản khá hiệu quả, thu nhập bình quân 7 - 8 triệu đồng/lao động/tháng. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lưới chụp được ngư dân xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc sử dụng nhiều chủ yếu là đánh bắt mực.
Lưới chụp là nghề khai thác thủy sản có sử dụng nguồn sáng. Nguồn sáng được sử dụng để tập trung đối tượng đánh bắt. Tổng công suất nguồn sáng, cỡ, loại bóng đèn trang bị trên tàu phải chấp hành đúng những quy định của cơ quan chức năng.
Đèn thu hút cá, mực thường là loại bóng đèn cao áp thủy ngân, công suất từ 500-1000 w/bóng. Số lượng bóng đèn tùy theo yêu cầu mà trang bị cho phù hợp với kỹ thuật khai thác và quy định chung về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đèn gom cá, mực là loại có chiết áp điều chỉnh cường độ ánh sáng, công suất từ 1000- 1500 w/bóng.
Dàn đèn thu hút cá, mực được đặt ở ca bin. Các bóng đèn thu hút mực cách nhau 0,65m, nghiêng với chiều thẳng đứng với góc 45 - 550, vươn ra phía ngoài thành ca bin khoảng 0,80m và cách nóc ca bin khoảng 0,85m.
Cần để treo đèn gom mực dài khoảng 2,50 m và đặt thẳng góc với thành ca bin; bóng đèn cách sàn tàu khoảng 0,95m.
|
Hệ thống tăng gông và dây liên kết
|
Các tăng gông được lắp đặt lên tàu nhờ giá đỡ có thể quay được, phía ngoài mỗi tăng gông lắp một ròng rọc treo để tuồn dây căng lưới, vật liệu làm tăng gông thường là gỗ.
Lưới chụp có dạng hình nón (hình phễu) cấu tạo tổng thể một vàng lưới gồm các bộ phận: 1. Dây thắt đụt; 2. Đụt lưới; 3. Thân lưới; 4. Dây căng lưới; 5. Giềng luồn; 6. Giềng băng; 7. Giềng rút; 8. Vòng khuyên.
Mùa vụ khai thác: Lưới chụp cá, mực có thể khai thác quanh năm. Đối tượng khai thác chủ yếu là các loại cá tầng nổi, mực…
Ngư trường khai thác: Ngư dân Bà Rịa-Vũng Tàu thường đánh ở ngư trường của tỉnh và một số vùng biển các tỉnh lân cận
Một chuyến biển của nghề chụp mực ở Bình Châu từ 10 đến 20 ngày, thời gian đánh bắt từ 19h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau. Những ngày sáng trăng ngư dân không đánh bắt vì cá ít tập trung.