Mỗi ngày lỗ vài trăm nghìn
“Không thể ngờ, hôm trước giá rau muống là 25.000 đồng/bó (5kg/bó), sau khi báo chí thông tin một nông dân ở xã tôi trồng rau muống bằng nhớt thải, giá rớt xuống còn 7.000 - 8.000 đồng/bó” - anh Nguyễn Văn Ty, nông dân trồng rau muống ở ấp 7, xã Bình Mỹ ca thán. Đến ngày 12.1, giá rau muống tại ruộng mỗi bó là 5.000 - 6.000 đồng, tại các chợ đầu mối 7.000 - 8.000 đồng. Theo đó, với 9 công đất trồng rau muống, mỗi ngày anh Ty cắt bán khoảng 120 bó rau tại chợ ấp 6B (xã Bình Mỹ). Trừ các chi phí, anh ước tính lỗ vài trăm ngàn đồng mỗi ngày.
Trước việc “giá rau muống bán như cho”, anh Ty đã cắt rau cho bò ăn thay vì phải đi mua cỏ. “Nhà tôi nuôi 12 con bò sữa, mỗi ngày cho ăn cũng mất khá nhiều tiền cỏ. Rau muống rớt giá, tôi đành cắt cho bò ăn độn với cỏ” - anh nói.
Còn ông Huỳnh Văn Gòn - một nông dân nuôi bò sữa tại đây cũng cho biết, mấy ngày nay một số nông dân bảo ông đến lấy rau muống về cho bò ăn. “Họ cho cả ruộng rau muống, có khi họ cắt sẵn, có khi mình tự cắt. Giá rau hiện rẻ quá mà” - ông kể.
Sử dụng nhớt diệt rầy cách đây...10 năm
Anh Nguyễn Quang Sáu, nông dân trồng 7 công (1 công = 1.000m2) rau muống tại Bình Mỹ cho biết, việc nông dân sử dụng nhớt thải để diệt rầy nhiều nhất là vào các năm 2006 - 2007. “Tôi cũng có sử dụng vài lần nhưng thấy không hiệu quả nên thôi” - anh nói.
Ông Thái Thành Tâm - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM cũng cho biết, hiện nay tình trạng sử dụng nhớt thải tưới rau muống còn phổ biến ở xã Bình Mỹ và phường Thạnh Xuân (quận 12).
Thời gian qua, đơn vị này đã tiến hành kiểm tra 45 hộ canh tác rau muống, lấy 43 mẫu rau để phân tích dư lượng thuốc BVTV và dư lượng kim loại nặng trên rau. Kết quả, không có mẫu rau nhiễm kim loại nặng vượt mức cho phép. Tại xã Bình Mỹ, lấy mẫu kiểm tra 13 hộ trồng rau muống, phát hiện 1 hộ sử dụng nhớt thải tưới rau.
Để ngăn chặn tình trạng sử dụng nhớt thải “tắm” cho rau muống, ông Thái Thành Tâm cho biết đơn vị đã mở 5 lớp tập huấn về quy trình sản xuất rau sạch cho bà con nông dân và các doanh nghiệp sơ chế. Sau tập huấn, cơ quan này cũng yêu cầu nông dân, doanh nghiệp ký cam kết không sử dụng nhớt thải để trồng rau muống. “Tuy nhiên, cái khó là phần lớn những hộ bị phản ánh có sử dụng nhớt thải để tưới rau muống là dân nhập cư, thuê đất trồng rau, sau một thời gian lại chuyển đi nơi khác nên khó kiểm soát” - ông Tâm nói.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tuyết - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Mỹ than thở: “Cách đây chưa lâu, chúng tôi đã tổ chức cho khoảng 80 hộ dân ấp 8 ký cam kết không sử dụng các loại hóa chất độc hại cho rau màu và dùng thuốc đúng thời gian, liều lượng. Mỗi năm ký cam kết như vậy 2 lần, kèm theo tuyên truyền về mức độ nguy hại của việc sử dụng hóa chất độc hại. Văn bản chúng tôi còn giữ thì bà Chu Thị Lam ở ấp 8 đã vi phạm”.
Theo một chuyên gia hóa học, dầu nhớt thải theo quy định phải được xử lý bằng cách tiêu hủy hoặc tái chế, không được thải trực tiếp ra môi trường. Trong dầu nhớt thải có các hợp chất chứa axit, hợp chất dị nguyên tố, khi đổ ra đất có thể làm chết các vi khuẩn có lợi trong đất, trong nước, làm đất thoái hóa.
Được biết, hiện xã Bình Mỹ có 10 ấp thì đến 7 ấp có nghề trồng rau muống với tổng diện tích gần 300ha.