Theo đó, tại tỉnh Quảng Ngãi, ngày 5.1, Trạm Thú y huyện Sơn Tịnh nhận được tin báo có 1 đàn gà 1.000 con, 75 ngày tuổi, trọng lượng bình quân 1kg/con của một hộ chăn nuôi ở thôn Trà Bình, xã Tịnh Trà bị phát bệnh từ ngày 31.12.2015, làm 454 con chết.
Ngày 6.1.2016, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của đàn gà này cho kết quả dương tính với virus cúm A/H5N6. Địa phương đã tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Tiếp đó, tại tỉnh Kon Tum, ngày 6.1, cơ quan thú y địa phương phát hiện đàn gia cầm 824 con (710 con gà, 114 con vịt) của 1 hộ chăn nuôi ở xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi bị mắc bệnh, chết 600 con, nghi do mắc bệnh cúm gia cầm. Ngày 9.1, kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm A/H5N6. Địa phương đã tiêu hủy 2 đàn gia cầm gồm 1.044 con từ ngày 9.1.
Theo nhận định của Cục Thú y, hiện nay do diễn biến phức tạp của thời tiết nên nguy cơ dịch phát sinh và lây lan là rất cao, các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống cúm gia cầm độc lực cao H5N1, H5N6 và một số chủng virus cúm có thể lây sang người như virus H7N9. Đồng thời, tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời.
Đối với dịch lở mồm long móng (LMLM), hiện trên địa bàn cả nước đang có tới 33 ổ dịch xảy ra tại 15 huyện của 9 tỉnh chưa qua 21 ngày. Theo Cục Thú y, trong thời gian vừa qua, các ổ dịch LMLM xảy ra chủ yếu ở dạng nhỏ lẻ. Nguy cơ mầm bệnh phát tán làm dịch lây lan rộng trong các vùng là rất cao.
Các địa phương thuộc khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, có đàn gia súc chưa được tiêm phòng triệt để, đặc biệt các tỉnh có dự án cung ứng con giống gia súc, xóa đói giảm nghèo cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vaccine LMLM, kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, quản lý giết mổ gia súc để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch.