Giá hàng hóa ngược với giá xăng
Mong muốn của người dân là khi giá xăng giảm thì họ được mua hàng hóa với giá rẻ hơn. Tuy nhiên, sau những đợt giảm giá xăng vừa qua, hàng hóa gần như “bất động” về giá, thậm chí nhiều nhóm hàng còn có dấu hiệu tăng so với trước đó. Tại một số chợ, cửa hàng tạp hóa trên địa bàn tỉnh, phần lớn hàng hóa các loại vẫn giữ nguyên giá bán. Đặc biệt, một số nhóm hàng như hải sản tươi sống, rau củ còn có dấu hiệu tăng cao hơn so với trước Tết mặc dù tiểu thương luôn kêu than ế ẩm, sức mua kém.
Tại chợ Bà Rịa, cà chua, một trong những mặt hàng rau củ tiêu thụ mạnh có giá giao động từ 25.000 - 28.000 đồng/kg, bắp cải 15.000 - 20.000 đồng/kg, nấm mèo 70.000 - 75.000 đồng/kg, cá thu nạc 280.000 - 300.000 đồng/kg, thịt heo ba rọi 80.000 - 90.000 đồng/kg, thịt heo nạc thăn 85.000 đồng - 90.000 đồng/kg, quýt vàng Việt Nam 60.000 đồng/kg, dưa hấu 15.000 đồng/kg... So với thời điểm trước Tết, giá những nhóm hàng này không giảm mà còn tăng thêm 2.000 - 5.000 đồng/kg. Theo ông Lê Bá An, Phó Ban Quản lý chợ Bà Rịa, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, sức mua tại chợ giảm mạnh, chỉ bằng 70% so với thời điểm trước Tết, hàng hóa về chợ theo đó cũng giảm theo. Tuy nhiên, giá cả các mặt hàng không hề giảm, nguyên nhân là do giá cước vận tải không giảm hoặc chỉ giảm nhỏ giọt cho có lệ (khoảng 5.000-10.000 đồng/tuyến đường dài). Bà Nguyễn Thị Minh, tiểu thương kinh doanh hàng thịt heo tại chợ phàn nàn: “Giá hàng hóa mua từ các tuyến đầu mối về không hề giảm, nên chúng tôi cũng không thể giảm giá bán được. Chợ bữa được, bữa ế, tiểu thương nhìn hàng mà bán chứ không tính toán vào giá xăng. Giá buổi sáng và buổi trưa có thể chênh nhau 5.000-10.000 đồng do mức độ tươi, ngon của hàng chứ không phải do xăng giảm mà giá giảm”.
Còn tại hệ thống siêu thị Co.op Mart Vũng Tàu, các mặt hàng rau, củ, quả, thịt, cá vẫn giữ mức giá cố định, không giảm. Cụ thể, cá điêu hồng có giá 69.900 đồng/kg; cá hường 66.900 đồng/kg, cá bạc má 66.900 đồng/kg, tôm thẻ 18.500 đồng/kg… Đại diện hệ thống siêu thị Co.op Mart giải thích, từ đầu năm đến nay giá hàng hóa trong hệ thống vẫn đứng yên là do trước Tết các doanh nghiệp và siêu thị cùng nhau đẩy mạnh khuyến mại, giảm giá theo “Chương trình bình ổn giá”. Do đó, sau khi giá xăng giảm, các DN không thể điều chỉnh tiếp.
Khó điều chỉnh?
Chị Trần Thị Thu Hiền (ấp Phước Tân, xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc) nói: “Hễ mỗi lần giá xăng lên mớ rau, con cá đều tăng giá theo. Nhưng giờ giá xăng giảm liên tục nhưng hàng thực phẩm lại đứng yên. Nhiều loại thực phẩm như dưa lưới, vú sữa, thanh long ruột đỏ… còn tăng khoảng 8.000-10.000 đồng/kg so với trước Tết”. Trong khi người tiêu dùng bức xúc thì các tiểu thương lại cho rằng, giá các loại rau củ sẽ được điều chỉnh phụ thuộc vào nguồn cung của thị trường từng ngày. Nếu những ngày nào nguồn rau dồi dào thì giá cả sẽ giảm xuống một chút, còn nếu rau khan hiếm như kiểu vào cuối vụ hoặc trời nắng rau khó chăm thì giá sẽ tăng lên.
Còn nhớ, năm 2013, khi giá xăng tăng ở mức kỷ lục 24.580 đồng/lít thì giá các mặt hàng tại các chợ, nhà hàng, quán ăn và nhiều DN “té nước theo mưa” để tăng giá vù vù. Ngược lại, đến thời điểm cuối 2015 đến nay khi giá xăng, dầu liên tục giảm mạnh, các đơn vị kinh doanh, các tiểu thương ở các chợ đều cho rằng chúng chỉ tác động một phần rất nhỏ nên khó điều chỉnh. Để lý giải cho việc khó điều chỉnh giá hàng hóa, các nhà sản xuất đưa ra nhiều lý do, phần lớn họ cho rằng, khi giá xăng giảm, đối tượng tác động trực tiếp là các đơn vị vận tải và các hãng taxi. Còn với các DN sản xuất hàng hóa, giá cước chỉ tác động một phần nhỏ nên việc điều chỉnh tăng giảm phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
Ông Nguyễn Công Chính, chủ cơ sở giết mổ tập trung Bình Minh Thuận (xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành) lý giải: “Giá xăng giảm không ảnh hưởng nhiều đến giá thịt heo, bởi chi phí vận chuyển chỉ chiếm một phần không đáng kể trong việc cấu thành nên giá thịt. Hơn nữa, sau Tết, giá nhân công tăng, sức mua chậm thì giá thịt không thể rẻ hơn”. Còn các đơn vị bán lẻ cho rằng, họ chỉ là đơn vị phân phối cuối cùng các sản phẩm đến tay người tiêu dùng, khi đơn vị sản xuất không giảm thì họ cũng không có cách nào giảm giá. Ông Lê Chung, chủ cửa hàng Linh Phương (86 Trần Hưng Đạo, TP. Vũng Tàu) cho biết: “Chúng tôi rất muốn điều chỉnh giá bán theo hướng giảm giá nhưng các mặt hàng nhập vào hoặc lấy về vẫn giữ nguyên giá, mình tự ý giảm sẽ không có lời”.
Theo ông Trần Việt Trung, Trưởng phòng quản lý thương mại - Sở Công thương, các sản phẩm hàng hóa hiện nay đều vận hành theo cơ chế thị trường, nếu giá cước vận tải chưa giảm tương xứng thì hàng hóa có liên quan trên thị trường cũng khó có điều kiện để giảm theo. Do đó, khi giá dầu thế giới giảm kéo giá bán lẻ trong nước giảm theo thì các DN vận tải, ngành dịch vụ... cũng cần phải giảm giá, tạo điều kiện cho giá cả hàng hóa giảm, nhằm kích cầu thị trường, nhất là trong thời điểm sức mua đang chậm như hiện nay.