Nghiên cứu do các tác giả: Hoàng Kim Diệu, Trần Ngọc Ngoạn, Nguyễn Viết Hưng – Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.
Để phục vụ cho chiến lược phát triển sắn hiệu quả bền vững ở Việt Nam và tận dụng một cách tối đa quỹ đất trồng sắn thì trồng xen các cây ngắn ngày là biện pháp canh tác mới hữu hiệu nhất. Sắn là cây trồng hàng rộng, ở giai đoạn đầu sinh trưởng chậm, do vậy việc trồng xen sắn không những có tác dụng che phủ đất ở thời kỳ đầu sắn chưa khép tán, giữ ẩm đất, chống xói mòn bảo vệ và cải tạo đất mà còn tăng được tổng sản lượng trên một diện tích gieo trồng.
Mô hình canh tác sắn bền vững trên đất dốc đã mang lại nhiều lợi ích nên được người trồng sắn tích cực tham gia. Đúc kết thông tin và số liệu từ trước cho đến nay cho thấy phương thức trồng sắn bền vững trên đất dốc tại vùng núi và trung du miền Bắc Việt Nam là: trồng cây cốt khỉ, cỏ vetiver hoặc cây phân xanh theo đường đồng mức kết hợp với trồng xen lạc, đậu xanh, đậu đen hoặc đậu đỏ trên nương sắn có bón phân khoáng hợp lý cho tổ hợp cây trồng đã được năng suất và lợi nhuận kinh tế cao. Việc lựa chọn giống sắn, loại cây xen, mật độ và khoảng cách xen, thời vụ xen phải do người dân áp dụng kỹ thuật sao cho phù hợp. Đối với giống sắn HL2004-28, là một giống sắn mới chọn tạo, hiện chưa có nghiên cứu về biện pháp kỹ thuật được áp dụng chính, vì vậy việc lựa chọn cây trồng xen và khoảng cách trồng xen với giống sắn mới là vấn đề rất cần thiết để góp phần nâng cao năng suất và cải tạo đất trồng sắn.
Vật liệu nghiên cứu là giống sắn HL2004-28 do Trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh (NLU) và Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam (IAS) chọn tạo năm 2003. Giống cây trồng xen: lạc (TB25), đậu tương (ĐT84), đậu xanh (ĐX14), ngô (DK8868).
Thí nghiệm nghiên cứu gồm 5 công thức 3 lần nhắc lại, bố trí theo kiểu khối ngẫu nhiên hoàn toàn. Diện tích ô thí nghiệm: 7 m x 7 m = 49 m2 không dải bảo vệ. Khoảng cách trồng sắn 1 m x 1 m, mật độ 10.000 cây/ha. Phân bón: 120 kg N + 80 kg P2O5 + 120 kg P2O5/ha.
Các công thức thí nghiệm trồng xen:
- Công thức 1: Sắn trồng thuần;
- Công thức 2: Sắn xen 2 hàng lạc;
- Công thức 3: Sắn xen 2 hàng đậu tương;
- Công thức 4: Sắn xen 2 hàng đậu xanh;
- Công thức 5: Sắn xen 2 hàng ngô.
Các công thức thí nghiệm phương thức trồng xen:
- CT1: sắn trồng thuần (đối chứng);
- CT2: sắn trồng mật độ 1 m x 1 m xen 1 hàng lạc giữa hai hàng sắn;
- CT3: sắn trồng mật độ 1 m x 1 m xen 2 hàng lạc giữa hai hàng sắn;
- CT4: sắn trồng mật độ 1 m x 1,5 m xen 1 hàng lạc giữa hai hàng sắn;
- CT5: sắn trồng mật độ 1 m x 1,5 m xen 2 hàng lạc giữa hai hàng sắn.
Các chỉ tiêu theo dõi gồm: chỉ tiêu sinh trưởng (chỉ tiêu cây, đường kính gốc, tổng số lá/cây), các yếu tố cấu thành năng suất (chiều dài củ, đường kính củ, số củ/gố, khối lượng củ) và năng suất tươi (năng suất củ tươi, năng suất thân lá, năng suất sinh vật học).
Quy trình kỹ thuật và phương pháp theo dõi đánh giá được tiến hành theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về khảo nghiệm giá trị canh tác và sử dụng của giống sắn (QCVN 01-61:2011/BNNPTNT) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Kết quả nghiên cứu cho thấy: Các công thức trồng xen đều thu được lợi nhuận cao hơn công thức trồng sắn thuần (lãi thuần đạt 39,73 triệu đồng/ha). Đặc biệt công thức lạc trồng xen sắn có hiệu quả kinh tế cao nhất, đạt 65,62 triệu đồng/ha, cao hơn công thức thuần 25,89 triệu đồng/ha. Trồng sắn với khoảng cách 1 m x 1 m xen 2 hàng lạc ở giữa hoặc 1 m x 1,5 m xen 1 hàng lạc ỡ giữa cho hiệu quả kinh tế 62,09 – 63,57 triệu đồng/ha, cao hơn hẳn so với sắn trồng thuần.
|