Trước sự hoang mang của người tiêu dùng về thực phẩm bẩn, gần đây xuất hiện nhiều người bán rau quả tự xưng là sạch.
“Tuy nhiên, dùng từ “rau sạch” là sai bởi rau sạch không được phép tồn dư thuốc trừ sâu, cho dù trong ngưỡng cho phép. Điều này có nghĩa rau sạch là rau trồng không sử dụng thuốc trừ sâu, hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV). Chỉ có thể gọi là rau an toàn (được phép có dư lượng thuốc trừ sâu trong ngưỡng cho phép), rau hữu cơ, rau VietGAP…” - bà Nguyễn Thị Lệ Thoa, Trưởng phòng Quản lý an toàn thực phẩm Chi cục BVTV TP.HCM, cho biết.
Muốn sạch là sạch?
Tại địa chỉ www.rausachvuonnha.com, trang web này quảng cáo: “Sản phẩm không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học độc hại và chất kích thích sinh trưởng. Định kỳ và bất thường lấy mẫu phân tích kiểm tra chất lượng. Kết quả được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. “Rau sạch vườn nhà” là nơi cung cấp rau sạch, củ, quả sạch hàng đầu khu vực Sài Gòn và phía Tây Nam Bộ”.
Trong vai chủ nhà hàng cần cung cấp rau số lượng lớn, PV gọi vào số điện thoại 0917116xxx. Một ông nghe máy tên là D., xưng người của “Rau sạch vườn nhà”. Ông D. cho biết rau sạch được trồng ở Củ Chi (TP.HCM), muốn mua số lượng nhiều thì đặt hàng trước một tháng. PV hỏi rau trồng có sử dụng thuốc trừ sâu không, ông D. trả lời: “Trồng rau mà không dùng thuốc trừ sâu là không nói thật. Tuy nhiên, phải dùng lúc nào, loại thuốc gì, thời gian cách ly là điều quan trọng”.
t tiếp câu hỏi: “Một khi có sử dụng thuốc trừ sâu thì làm sao đảm bảo rau sạch, cho dù dư lượng thuốc trừ sâu nằm trong giới hạn cho phép?”. “Đó là công việc của nhà sản xuất. Anh cứ dùng rồi sẽ biết” - ông D. nói.
PV tiếp tục vào trang http://rausach123.weebly.com và đọc được những lời quảng cáo có cánh: “Rau sạch được trồng và chăm sóc bằng phân hữu cơ, không dùng phân hóa học. Đất được làm và xử lý mầm mống sâu bệnh trước khi trồng. Quy trình trồng rau tuân thủ nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn VietGAP... Bạn sẽ sung sướng thế nào khi có thể ăn một bữa rau no cho đã cơn thèm khát bấy lâu”.
Liên hệ số điện thoại 0977312xxx, một bà tên H. xưng là chủ cơ sở bán rau sạch qua mạng. Nghe PV hỏi thế nào là rau sạch, rau VietGAP, bà H. trả lời: “Ừ, rau sạch là rau không có sâu. Rau VietGAP là rau được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP”. PV hỏi tiếp: “Muốn rau không có sâu thì phải dùng thuốc trừ sâu, mà đã dùng thuốc trừ sâu thì không gọi là rau sạch nữa. Vậy sao trang web lại quảng cáo là không dùng phân hóa học, rau hoàn toàn sạch?”. “Muốn rau sạch thì là sạch, muốn rau không sạch thì là rau không sạch. Mua thì mua, không mua thì thôi, bộ nhà… báo hay sao mà hỏi nhiều quá vậy” - bà H. nói rồi cúp máy.
Rau trên mạng sẽ vào… “tầm ngắm”
Không chỉ quảng cáo bán “rau sạch” trên mạng, TP.HCM còn xuất hiện nhiều người bán rau dạo cũng tự xưng là rau sạch, trồng tại nhà.
Theo bà Thoa, Chi cục BVTV TP.HCM từng kiểm tra các cửa hàng, siêu thị có treo bảng “rau sạch”. Tuy nhiên, sau khi giải thích thì họ không thể chứng minh đó là rau sạch. “Việc quảng cáo rau sạch rất dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng nên chúng tôi khuyến cáo các cửa hàng, siêu thị thay bảng “rau sạch” là “rau VietGAP”, “rau an toàn”, “rau hữu cơ”… cho đúng” - bà Thoa thông tin thêm.
“Chi cục BVTV TP.HCM có bộ phận giám sát việc kinh doanh rau trên mạng. Nếu có địa chỉ cụ thể, Chi cục sẽ khảo sát, sau đó kiểm tra giấy tờ, chứng nhận liên quan đến việc kinh doanh rau. Bước đầu Chi cục sẽ hướng dẫn để người kinh doanh rau trên mạng thực hiện đúng các quy định pháp luật. Sau này khi kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm thì Chi cục ra quyết định xử phạt. Trong đợt khảo sát gần đây, Chi cục phát hiện một trường hợp kinh doanh rau trên mạng “có vấn đề”. Tuần sau Chi cục sẽ chính thức kiểm tra trường hợp này” - bà Thoa nói.
Đối với những người bán rau dạo treo bảng “rau sạch”, bà Thoa cho biết nếu người bán không chứng minh được rau là sạch thì sẽ bị phạt. Do vậy, người bán chỉ được phép treo bảng “bán rau”. “Trong trường hợp người bán dạo ghi “rau an toàn”, “rau VietGAP” thì cũng phải có giấy tờ chứng minh để tránh bị phạt” - bà Thoa cho biết.
95% rau trồng ở TP.HCM an toàn???
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thoa, Trưởng phòng Quản lý an toàn thực phẩm Chi cục BVTV TP.HCM, hiện 95% nguồn rau từ TP.HCM đủ điều kiện an toàn. Các hộ nông dân trồng rau đã được đào tạo và thi để cấp giấy chứng nhận sản xuất rau an toàn. Người trồng rau còn phải trải qua kiểm tra đột xuất trên đồng ruộng nữa. Riêng 70% rau nhập từ các tỉnh vào chợ đầu mối thì kiểm tra theo quy trình tương tự các nguồn cung cấp rau TP.
Từ đầu năm 2015 đến nay, Chi cục BVTV TP.HCM kiểm tra 64 vùng trồng rau ở các địa phương tại TP.HCM, Lâm Đồng, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh... Kết quả phân tích không ghi nhận tồn dư thuốc BVTV vượt mức quy định. Chi cục cũng lấy 172 mẫu rau, củ, quả của 132 vựa kinh doanh ở ba chợ đầu mối TP.HCM và phát hiện năm mẫu rau chứa hàm lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép.
______________________________
Người kinh doanh thực phẩm nên tự bảo vệ mình bằng các biện pháp kiểm soát như phải có hợp đồng và hóa đơn khi giao dịch với nhà cung cấp thực phẩm. Trong hợp đồng nên ghi rõ các điều khoản đảm bảo thực phẩm là an toàn. Trong trường hợp là sản phẩm tự sản xuất, tự trồng thì cũng phải đảm bảo theo Luật An toàn vệ sinh thực phẩm.