Với mong muốn gắn sản xuất với tiêu thụ nên chủ doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Hữu Tùy mới nghĩ đến chuyện đầu tư một dự án giết mổ vịt sạch để tiêu dùng trong nước với quy mô 4.000 - 5.000 con/ngày....
Ông giải thích đơn giản đầu ra của người chăn nuôi trong hội vịt cỏ là đầu vào của dự án chế biến của mình. Cả hai bổ sung, tương hỗ cho nhau mà thiếu cái này thì cái kia đều lao đao, khốn đốn. Nhà xưởng rộng chừng 4.000m2 đang dựng lên ở thôn Động Phí, xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa nằm trong khu vực quy hoạch hẳn hoi, dự tính cuối năm 2016 sẽ bắt đầu cho ra sản phẩm. Công nghệ mà ông Tùy áp dụng là giết mổ bán chuyên nghiệp, làm lông thô bằng máy (vặt các lông dài), làm lông tinh (vặt các lông ngắn) bằng thủ công. Ông thuyết minh rằng vịt khác hẳn với gà, chúng có rất nhiều lông măng gây khó cho việc vặt bằng máy. Ở một số nơi người ta sử dụng cách làm lông bằng sáp nến nghĩa là vịt được nhúng trong dung dịch sáp nóng để khô đi rồi bóc rút lông tơ. Cách này khá tiện lợi nhưng ông Tùy lại không chọn bởi đã nhúng vào sáp nóng như vậy thịt vịt sẽ mất tươi, ảnh hưởng đến chất lượng vì đã ở trong trạng thái dở chín, dở sống. Cách làm lông thô bằng máy, làm lông tinh bằng thủ công vừa khai thác được ưu thế của máy móc lại vừa tận dụng được lao động dư thừa tại địa phương. Riêng công đoạn chế tạo máy đã ngốn không biết bao nhiêu thời gian, tâm huyết của ông Tùy. Da vịt vốn rất mỏng và nhạy cảm hơn hẳn da gà nên hễ cho vào máy là bị dập dạp, không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn giảm chất lượng thịt bên trong. Thử nghiệm đủ kiểu vận tốc quay của máy, nhà sáng chế tuổi bảy mươi này mới tìm ra được một công thức phù hợp nhất cho việc vặt lông con vịt đặc sản của quê ông. Vì mọi máy móc trong dây chuyền chế biến này đều là những “của nhà trồng được” nên ông lão chỉ mất tiền xây dựng văn phòng và nhà sản xuất, tuy nhiên suất đầu tư cũng không dưới 10 tỉ đồng. Tôi hỏi ông với suất đầu tư hàng chục tỉ đồng như thế sẽ cạnh tranh thế nào với các “làng nghề” mổ vịt chẳng có cần đầu tư gì đáng kể ngoài nồi nước sôi, con dao mổ và đôi bàn tay vặt lông? Nói đâu xa ngay cả làng Động Phí quê hương ông mỗi ngày cũng "tiễn" khoảng 6.000 - 7.000 con vịt... về trời với khoảng 30 hộ làm nghề dịch vụ giết mổ rồi bỏ mối cho các nhà hàng. Đành rằng công nghệ giết mổ này ở dạng “khuất mắt trông coi”, mổ xong nhét bao tải rồi chở đến nhà hàng bằng xe máy khá mất vệ sinh nhưng bù lại giá cả rất rẻ, chỉ 5.000 đ/con từ cắt tiết, vặt lông đến lột da chân, làm sạch lòng mề. Ông cười mà rằng: “Tôi tự tin bởi không chỉ cạnh tranh bằng giá mà bằng nguồn gốc thực phẩm rõ ràng, bằng thương hiệu đi kèm công nghệ vịt sạch uy tín sẽ được quảng bá rộng rãi qua trang website. Thị trường mà tôi hướng tới là cung ứng cho các siêu thị, nhà hàng nơi phải có tem nhãn, phải đảm bảo chất lượng thì hàng hóa mới vào được”....