Các mô hình trên thực hiện tại huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa, Sơn Hòa và thành phố Tuy Hòa, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Điển hình, mô hình cánh đồng lúa lớn chất lượng với quy mô 35ha tại xã Hòa Kiến, xã Bình Kiến (thành phố Tuy Hòa) được 196 hộ tham gia sử dụng giống lúa ML 48 cấp nguyên chủng. Vụ Hè Thu vừa qua, năng suất đạt 71 tạ/ha, trừ chi phí, nông dân lãi 7,25 triệu đồng/ha.
Tương tự, nông dân xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) thực hiện mô hình sản xuất lúa chất lượng cao gồm các giống ANS1, ĐV108 trên diện tích 39,5ha. Các giống trên cho năng suất từ 75 - 89,6 tạ/ha trong vụ Hè Thu.
Nông dân xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa) trồng bốn giống sắn cao sản gồm: KM 397, KM 440, KM 419 và KM 444 trên diện tích 4ha. Niên vụ 2015-2016 các giống sắn này đạt năng suất 65 tấn/ha, hơn gấp ba lần so với năng suất sắn bình quân toàn tỉnh (19,9 tấn/ha). Đây là cơ hội giúp người nông dân tại địa phương có điều kiện thay đổi giống sắn hiện trồng trên diện tích hơn 25.000ha, đang có chiều hướng lây lan bệnh rệp sáp bột hồng. Đây là loại bệnh dịch khiến cây sắn bị héo ngọn, chết; hoặc nhẹ hơn là cây èo uột, làm giảm ít nhất 30% năng suất đồng thời giảm chất lượng tinh bột trong củ.
Mô hình sản xuất lúa lai giống TH3-3 trên diện tích 5ha được Trung tâm khuyến nông tỉnh Phú Yên thực hiện tại thị trấn Củng Sơn và xã Sơn Hòa (huyện miền núi Sơn Hòa), đạt năng suất 80,47 tạ/ha trong vụ Hè Thu. So sánh với năng suất bình quân của toàn tỉnh, cao hơn 10,77 tạ/ha; thu lãi 27,78 triệu đồng/ha. Cách canh tác khi thực hiện giúp nông dân trong vùng dần thay đổi tập quán gieo sạ mật độ dày (trên 120 kg giống/ha) xuống còn 50 kg/ha....
Để tạo điều kiện nông dân phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành tiêu chí xây dựng cánh đồng lớn đối với sản xuất các cây trồng chủ lực. Theo đó, diện tích cánh đồng lớn đối với cây lạc, đậu tương, ngô từ 10ha trở lên; cây sắn, mía, lúa từ 20ha trở lên. Những cánh đồng lớn phải áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất theo hướng cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao đồng thời thực hiện liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân hoặc đại diện nông dân trong khâu thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng vật tư nông nghiệp..../.