TIỀN MẤT TẬT MANG
Sáng 2-2, vào Google gõ cụm từ “bán thuốc đông y”, chỉ trong 0,4 giây đã cho 636 ngàn kết quả, rao bán đủ loại thuốc đông y cùng những lời cam kết “chắc nịch” như: “nếu không khỏi bệnh sẽ hoàn 100% tiền thuốc”, “hiệu quả nhất hiện nay”...
Trên trang facebook cá nhân tên “Thuốc trị mụn đông y gia truyền” (chủ tài khoản ghi địa chỉ ở Đà Nẵng) quảng cáo nhiều loại thuốc đông y điều trị mụn, nám, tàn nhang, sẹo, rỗ mặt, làm trắng da. Khi chúng tôi hỏi thành phần của thuốc và nguồn gốc xuất xứ của thuốc, chủ tài khoản facebook này chỉ cho biết, đây là loại thảo mộc được điều chế từ nghệ, tinh dầu bưởi, nhân sâm, rượu gạo. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, trên các chai thuốc (dạng nước) không ghi địa chỉ nhà sản xuất.
Tương tự, trên tài khoản facebook tên “Tiên Trần” (chủ tài khoản ghi địa chỉ ở thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức) cũng quảng cáo trị mụn, nám, tàn nhang, rỗ bằng thuốc đông y, với thành phần 100% thảo dược thiên nhiên. Ngoài số điện thoại, chủ tài khoản này không đưa thông tin gì về thành phần thuốc, nguồn gốc, xuất xứ.
Chị Nguyễn Thị Hà (ngụ hẻm 888 đường 30-4, phường 11, TP.Vũng Tàu) cho biết, mới đây, vì tin lời quảng cáo trên mạng, chị mua thuốc đông y (dạng nước) làm trắng da về sử dụng. Thời gian đầu dùng thử, da chị trắng lên trông thấy. Nhưng sau vài tháng, thấy da có biểu hiện nám nên chị không dám dùng thuốc này nữa. Ông Nguyễn Văn Thanh (ngụ hẻm 183 Lưu Chí Hiếu, phường 10, TP.Vũng Tàu) bị viêm họng mãn tính hơn chục năm nay. Cuối năm 2016, ông mua thuốc đông y được quảng cáo trên facebook về điều trị. Theo cam kết của “nhà thuốc” này, sau khi dùng thuốc từ 6 đến 15 ngày, người bệnh sẽ hết đàm, ho, đau họng. Nhưng sau khi bỏ ra hơn 3 triệu đồng tiền thuốc và uống đủ 4 liệu trình theo hướng dẫn, bệnh của ông vẫn không thuyên giảm. Khi thắc mắc với “nhà thuốc” trên mạng này, ông chỉ nhận được những câu trả lời loanh quanh, lảng tránh trách nhiệm.
NÊN ĐẾN CƠ SỞ Y TẾ
Theo bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Khoa Y dược cổ truyền Bệnh viện Lê Lợi, thuốc đông y có 2 loại: thuốc chữa bệnh và thực phẩm chức năng. Bộ Y tế đã quy định: thuốc đông y phải có số đăng ký, có hồ sơ đăng ký qua kiểm tra, kiểm duyệt, có hồ sơ thử nghiệm lâm sàng. Hiện trên các trang mạng chủ yếu rao bán thực phẩm chức năng được nhập từ nước ngoài, rất khó kiểm soát về chất lượng. Thực phẩm chức năng không phải là thuốc nên không có tác dụng chữa bệnh, nhất là một số bệnh đòi hỏi phải khám chuyên khoa rồi mới kê toa như: tim mạch, huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu. Thông thường, đông dược có tác dụng khá chậm, nhưng nếu người sản xuất trộn thêm các chất tân dược (thường chứa chất corticoid) trôi nổi trên thị trường sẽ tạo ra những tác dụng trước mắt như ăn ngủ được, tăng cân, giảm đau nhức xương khớp (do corticoid có tác dụng giảm đau, chống viêm). Tuy nhiên, khi sử dụng dài ngày, thuốc sẽ có những tác dụng phụ nguy hiểm, như: loãng xương, tăng huyết áp, loét dạ dày, làm giảm sự đề kháng của cơ thể, suy gan, suy thận, mặt phù, chân tay teo lại, gây khó khăn trong việc chữa trị sau này.
Bác sĩ Nguyễn Trường Sơn cho biết, hiện nay khá nhiều người lớn tuổi bị mắc nhiều bệnh mãn tính: như huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, loãng xương, thoái hóa cột sống... có nhu cầu sử dụng thuốc đông y. Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc hay thực phẩm chức năng đông y mà không có sự tư vấn, thăm khám của bác sĩ sẽ dễ dẫn đến nguy cơ bị ngộ độc thuốc. Thời gian qua, Bệnh viện Lê Lợi đã tiếp nhận một số trường hợp cấp cứu do tự ý sử dụng hoặc nghe theo lời tư vấn trên mạng, dẫn đến ngộ độc thuốc đông y. Đặc biệt, hiện nay tỉ lệ bệnh nhân suy thận đang điều trị tại Bệnh viện Lê Lợi khá nhiều (hơn 100 bệnh nhân), với nguyên nhân chính dẫn đến bệnh là do tự ý sử dụng thuốc hay thực phẩm chức năng đông y trộn thêm các chất tân dược. “Thuốc đông y cũng phải kê toa theo từng bệnh. Do vậy, người bệnh có nhu cầu điều trị đông y nên đến những phòng khám chuyên khoa uy tín, bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và kê đơn đúng bệnh, không nên tin tưởng vào những lời quảng cáo trên mạng”, bác sĩ Nguyễn Trường Sơn khuyến cáo.