Ngày 2-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ấn nút khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Nông trường VinEco Hà Nam, do Tập đoàn Vingroup đầu tư tại xã Xuân Khê và xã Nhân Bình, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Dự án có diện tích 180ha với tổng số vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng. Trong đó, khu cánh đồng mẫu lớn rộng gần 130ha, khu nhà kính Israel công nghệ cao quy mô 5ha và các khu vực hỗ trợ sản xuất. Dự kiến đến cuối năm 2017, VinEco Hà Nam sẽ hoàn thiện hạ tầng cơ sở, triển khai sản xuất trên toàn bộ diện tích dự án.
Vui mừng dự lễ khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hà Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nông nghiệp Việt Nam luôn là trụ đỡ nền kinh tế của đất nước. Nhờ tinh thần cởi trói cho sản xuất, từ một nước thường xuyên thiếu đói, hằng năm phải nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực, Việt Nam không những bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba trên thế giới. Song nông nghiệp Việt Nam hiện nay không những chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu còn là một nền nông nghiệp có chi phí cao, đời sống người nông dân còn thấp. Vẫn còn tình trạng thiếu an toàn thực phẩm, canh tác lạc hậu, lúa nước vẫn chiếm phần chủ đạo; xuất khẩu gạo luôn gặp khó khăn, hiệu quả chưa cao.
Để giải bài toán nông nghiệp Việt Nam, theo Thủ tướng, phải dựa vào các doanh nghiệp tư nhân, các hợp tác xã. Thủ tướng cho rằng cần khuyến khích nhiều hơn nữa khởi nghiệp nông nghiệp, áp dụng điện toán đám mây trong làm nông nghiệp công nghệ cao. Đi liền với đó là mở rộng hạn điền trong nông nghiệp, tích tụ ruộng đất mạnh mẽ hơn; tăng cường chuyển giao khoa học công nghệ và phải có vốn cho nông nghiệp công nghệ cao từ nguồn lực xã hội. Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước vận động các ngân hàng thương mại thiết lập nhiều hơn các hình thức hỗ trợ để nâng gói hỗ trợ cho nông nghiệp công nghệ cao với cơ chế ưu đãi từ 60 ngàn đến 100 ngàn tỷ đồng.
Thủ tướng đề nghị tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực từ người nông dân phục vụ cho nông nghiệp công nghệ cao; mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì, xây dựng thương hiệu để phục vụ xuất khẩu; đảm bảo tốt đầu ra cho nông sản.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương quy hoạch sử dụng đất theo hướng mở rộng hạn điền để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Cùng với đó, phải có điều kiện thuận lợi hỗ trợ về hạ tầng điện, nước cho nông nghiệp công nghệ cao; khuyến khích áp dụng giống mới, khoa học công nghệ mới tiên tiến, hiệu quả cao.
“Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và hợp tác xã làm nông nghiệp công nghệ cao”, Thủ tướng khẳng định. Chính phủ sẽ quyết liệt bảo vệ thương hiệu, quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp, hợp tác xã làm nông nghiệp công nghệ cao. “Bản thân Thủ tướng sẽ trực tiếp cùng các ngành giới thiệu các sản phẩm công nghệ cao, chất lượng cao, nông nghiệp sạch của Việt Nam ra thị trường thế giới”, Thủ tướng nêu rõ.