Theo đó, đối tượng áp dụng gồm pháp nhân và cá nhân có nhu cầu vay vốn để thực hiện dự án, phương án sản xuất - kinh doanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
NH thương mại cho vay đối với các nhu cầu vốn ngắn, trung và dài hạn của khách hàng để thực hiện chương trình bằng VNĐ với lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5%-1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường. Nguồn vốn cho vay do các NH thương mại cân đối từ nguồn vốn huy động trên thị trường. Đặc biệt, khách hàng vay vốn theo chương trình được sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản bảo đảm cho khoản vay theo quy định của pháp luật.
Trong quyết định của NHNN cũng nêu rõ trong trường hợp khách hàng khó khăn trong việc trả nợ vay do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng sẽ được NH thương mại chủ động xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay mới để phục hồi sản xuất - kinh doanh đối với khách hàng có dự án, phương án sản xuất - kinh doanh khả thi. Đồng thời, căn cứ vào khả năng tài chính của mình, NH thương mại có thể xem xét các biện pháp hỗ trợ khác bao gồm cả miễn, giảm lãi vay, lãi quá hạn; ưu tiên thu nợ gốc trước thu nợ lãi sau… nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất - kinh doanh.
Cùng ngày, tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Công ty Đầu tư Phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco (VinEco), một thành viên của Tập đoàn Vingroup, đã ký hợp tác với 500 HTX và hộ sản xuất từ các vùng nguyên liệu nổi tiếng Lâm Đồng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hải Dương và các tỉnh ĐBSCL về những lĩnh vực rau, nấm, gạo và trái cây. Theo đó, công ty này sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình hướng dẫn các hộ sản xuất có nhu cầu về quy trình sản xuất rau an toàn; thu mua tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn và hỗ trợ thủ tục chứng nhận VietGAP. Đặc biệt, đối với những hộ sản xuất đủ điều kiện, VinEco sẽ hỗ trợ tài chính tối đa 300 triệu đồng/hộ (không lãi suất) để giúp trang bị cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị, vốn, giống. Bên cạnh đó, công ty còn đầu tư trang thiết bị để ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc bằng mã QR, bảo đảm minh bạch hóa thông tin về địa điểm sản xuất, chủ hộ sản xuất. Người tiêu dùng có thể dễ dàng tra cứu thông tin nông sản trong chương trình bằng smartphone.
Với việc kiểm soát khép kín từ đồng ruộng đến siêu thị, chương trình sẽ cắt giảm được tối đa các khâu trung gian, tập trung nâng cao chất lượng nông sản cung ứng ra thị trường.
Đại diện cho 500 hộ sản xuất, ông Nguyễn Hữu Minh, Tổ Hợp tác Ổi Minh Thọ (ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), chia sẻ: “VinEco thu mua nông sản với giá cả ổn định nên tổ hợp tác chúng tôi an tâm. Ngoài sản phẩm ổi Minh Thọ, tôi còn giới thiệu các hộ dân trồng thêm xoài cát chu, xoài cát Hòa Lộc và xoài cát Bồ của Tổ Hợp tác Thiên Phúc được VinEco đánh giá đạt nông sản sạch và sẽ đưa ra thị trường vào tháng 5”.