Trong khi năng lực SX tôm giống tại các địa phương trong vùng chưa đủ đáp ứng, hiện có đến 90% tôm giống chủ yếu từ hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận đưa về vùng này.
Tiềm ẩn dịch bệnh
Từ đầu năm đến nay khi một số địa phương ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau vào vụ thả nuôi tôm sớm, lực lượng thanh tra đã phát hiện, ngăn chặn nhiều trường hợp vận chuyển tôm giống không qua kiểm dịch.
Ông Đặng Hiền Đức, cán bộ Thanh tra Chi cục Thú y Sóc Trăng, cho biết: Qua 17 cuộc tuần tra kiểm soát của đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra 98 lượt xe vận chuyển động vật, giống thủy sản trên các tuyến đường về địa bàn tỉnh đã phát hiện 9 trường hợp vi phạm vận chuyển tôm giống không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Chi cục Thú y Sóc Trăng xử phạt 31,5 triệu đồng và buộc phải lấy mẫu kiểm nghiệm, nếu phát hiện tôm giống nhiễm bệnh nguy hiểm buộc phải tiêu hủy.
Trước đó vào đầu tháng 4/2017, Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu phối hợp cùng đoàn kiểm tra liên ngành tuần tra kiểm soát trên quốc lộ 1A phát hiện hơn 6 triệu con tôm giống chưa kiểm dịch được xe tải chở về Bạc Liêu, Cà Mau tiêu thụ. Số lượng lớn tôm giống này có nguồn gốc từ các tỉnh miền Trung đưa về và không hề có giấy tờ kiểm dịch.
Lực lượng kiểm tra lập biên bản vi phạm, xử phạt theo qui định đồng thời yêu cầu kiểm dịch bắt buộc. Qua nhiều vụ kiểm tra điển hình cho thấy thực trạng buôn bán tôm giống kém chất lượng, tôm chưa qua kiểm dịch vẫn còn diễn ra phức tạp, nhất là vào thời vụ thả nuôi tôm.
Bà con nuôi tôm ở Sóc Trăng thường gọi tôm giống chưa qua kiểm dịch là tôm trôi nổi. Tôm trôi nổi vì sao vẫn có người mua? Trong khi các HTX nuôi tôm hay các chủ trang trại có điều kiện và từng giao dịch với các công ty, cơ sở SX tôm giống đảm bảo uy tín chất lượng, nguồn cung tôm giống ổn định từ trước khi vào vụ có kiểm dịch, xét nghiệm dịch bệnh trước khi thả nuôi thì tôm giống trôi nổi len lỏi qua mặt cơ quan chức năng về tới vùng nuôi hoặc thông qua một số cơ sở mua bán giống tại địa phương nhắm vào đối tượng hộ nuôi tôm nhỏ lẻ, ít vốn đầu tư, chịu mua con giống giá rẻ. Vì một trong những nguyên do này mà người nuôi tôm rước họa không hay, không biết rõ nguồn gốc con giống có nhiễm mầm bệnh từ trước, thả nuôi theo kiểu hên xui nên tôm dễ xảy ra dịch bệnh, thất bại.
Biện pháp nào ngăn chặn?
Theo Chi cục Thú y Sóc Trăng, tình hình dịch bệnh tôm (tôm sú, thẻ chân trắng) còn xảy ra phức tạp. Từ đầu năm đến nay tỉnh Sóc Trăng thả nuôi tôm hơn 3.900ha, chiếm 8,7% kế hoạch. Trong đó diện tích tôm bị thiệt hại khoảng 340ha, chiếm hơn 8,8%. Tôm bị bệnh gây thiệt hại còn nhiều: Tôm bệnh đốm trắng bị thiệt hại trên 72ha, tôm bị hoại tử gan tụy cấp thiệt hại gần 50ha và tôm bị khí độc môi trường gây thiệt hại trên 220ha.
Điều đáng lưu ý là riêng trong tháng 4/2017 qua thu nhận mẫu xét nghiệm bệnh thủy sản trên tôm vẫn còn phát hiện nhiều mẫu dương tính như: Bệnh đốm trắng (WSSV) xét nghiệm 45 mẫu có 11 mẫu dương tính (từ đầu năm đến nay xét nghiệm 161 mẫu có đến 57 mẫu dương tính); Hội chứng hoại tử gan tụy cấp (AHPNS) xét nghiệm 44 mẫu có 5 mẫu dương tính; bệnh còi xét nghiệm 5 mẫu có 1 mẫu dương tính; bệnh vi bào tử trùng (EHP) xét nghiệm 4 mẫu có 1 mẫu dương tính; bệnh IHHNV (nhiễm virus IHHNV gây bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan lập biểu mô) xét nghiệm 44 mẫu có 19 mẫu dương tính…
Từ kết quả kiểm nghiệm trên, các cán bộ thú y thủy sản tại vùng nuôi tôm cho rằng: Nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh từ nguồn cung cấp tôm giống không qua kiểm dịch, không xét nghiệm các bệnh cho thấy còn rất lớn, sẽ gây nhiều thiệt hại cho người nuôi tôm. Về vấn đề này cần có sự kiểm soát, kiểm dịch chặt chẽ.