Trước khi trả lời các câu hỏi của PV NNVN, ông Thanh cho biết, ông được UBND tỉnh Đăk Nông bổ nhiệm làm GĐ Cty thay ông Phạm Đức Thắng đã đình chỉ chức vụ từ cuối tháng 3/2017. Vì vậy việc Cty nợ nần là có từ trước. Tuy nhiên trước đấy, ông Thanh giữ chức PGĐ Cty nên phần nào cũng hiểu rõ vụ việc.
Theo ông Thanh, nguyên nhân chính là do giá mủ cao su xuống thấp nên nhiều năm liền Cty thua lỗ nặng, cộng với việc đầu tư nhiều dự án dàn trải, không hiệu quả.
Cụ thể, Cty đầu tư 2 dự án trồng cao su với diện tích 540ha và dự án tiểu khu 1290 với 285ha, tổng số tiền 32 tỷ đồng trong giai đoạn 2007 - 2008. Các dự án lúc đầu được ngân hàng cho vay vốn, sau 3 năm ngân hàng dừng cho vay khiến việc đầu tư lỡ dở. Trong khi đó vườn cao su kết thúc giai đoạn kiến thiết cơ bản chuyển sang giai đoạn chăm sóc, nhưng do vốn liếng cạn kiệt, nên Cty đã liều lĩnh lấy tiền lương và BHXH của người lao động đắp vào.
“Mặc dù biết rằng việc lấy lương và BHXH của người lao động để đầu tư là không đúng luật nhưng vì hết cách nên Cty buộc phải làm vậy”, ông Thanh chia sẻ.
Bên cạnh đó, thua lỗ còn liên quan đến dự án cao su 500ha ở tiểu khu 1289 trong giai đoạn 2011 - 2012 đã xảy ra tranh chấp với 93 hộ dân thôn Đăk Pri, xã Đâm N’ Dri, huyện Krông Nô, nên Cty không thu được sản phẩm trong thời gian dài trong khi đã quẳng ra không ít tiền.
Chưa hết, trước đó dự án trồng xoan giai đoạn 2004 - 2006 với diện tích 600ha, Cty cũng vay ngân hang khoảng 9 tỷ đồng, nhưng sau 3 năm không mang lại hiệu quả do thiếu vốn chăm sóc.
Còn về giá cao su, ông Thanh giải thích thêm: “Giá mủ cao su đông khô từ cuối năm 2013 và năm 2014 ở mức rất thấp, chỉ còn 7.000 - 10.000 đồng/kg, nên Cty chi nhiều hơn thu. Mặt khác, Cty có 1.100ha cao su, nhưng nhiều diện tích chưa đưa vào khai thác mà vẫn phải chăm sóc thường xuyên nên nợ nần dồn lại”.
Như NNVN đề cập, đến 30/6/2017, Cty này không có tiền thanh toán lương cho CBCNV ít nhất đã 30 tháng với hơn 14 tỷ đồng. CBCNV làm việc uể oải nhưng nghỉ cũng không xong, bởi họ vẫn nuôi hy vọng được Cty trả nợ lương, trong khi Cty đã mất khả năng chi trả.
Vậy khoản nợ to như trái núi sẽ được Cty xử lý bằng cách nào? Tôi hỏi. Ông Thanh cho biết, hi vọng là sớm triển khai cổ phần hóa Cty. Mặc dù về luật để cổ phần hóa được, Cty phải giải quyết dứt điểm các khoản nợ. Tuy nhiên do Cty mất khả năng trả nợ nên đã báo cáo UBND tỉnh Đăk Nông phương án khấu trừ nợ khi ra mắt Cty mới. Và sau khi hoạt động theo mô hình cổ phần hóa, Cty mới có trách nhiệm lên kế hoạch, lộ trình trả nợ.
“Việc cổ phần hóa Cty đã được bên tư vấn hoàn thành hồ sơ. Mới đây Cty đã trình cấp trên và chờ UBND tỉnh thẩm định. Việc cổ phần hóa cũng được tỉnh chỉ đạo Cty phải hoàn thành chậm nhất trước tháng 9 tới. Hiện đã có 1 đơn vị đăng ký làm cổ đông chiến lược, và sau này khi đấu thầu họ sẽ mua cổ phần. Được biết, đơn vị này cũng đã có văn bản gửi cho tỉnh hứa sau khi sở hữu Cty họ sẽ trả các khoản nợ”, ông Thanh chia sẻ.
Được biết, Cty đang được giao quản lý khoảng 3.500ha đất, trong đó có 1.100ha cao su đã khai thác, năng suất mủ dao động từ 1,1 - 1,2 tấn/ha/năm, có lô đạt 1,5 - 1,7 tấn/ha/năm.