Mất trắng nhiều tỷ đồng
Từ đường lớn, rẽ xuống cánh đồng của xóm Đại Thắng, xã Nam Mỹ (Nam Trực) chúng tôi sững sờ khi trước mắt là bạt ngàn những cây đào vẫn đứng ngay ngắn, thẳng hàng trên vồng, luống nhưng thân lá héo rũ. Đang cặm cụi chặt bỏ đào chết, anh Trần Ngọc Duy- nông dân trồng đào cho hay, đào quất có thể hỏng do nhiều nguyên nhân nhưng bị chết hàng loạt vì mưa lụt thì đây là lần đầu đồng đất quê anh gặp phải, như nhà anh có gần 10 sào, chết vãn.
“Đặc tính sinh học của cây đào là chỉ cần gặp mưa nhiều là nó đã tự đùn nhựa bỏ cành bỏ nhánh, có sống được cũng bị mất thế, mất dáng. Vậy mà vừa qua bị ngâm trong nước cả tuần liền”, anh Duy uể oải trên đồng. Cạnh đó, anh Trịnh Văn Quang cũng đang ngao ngán vì vừa phải chặt bỏ hơn 400 gốc đào. “Tôi cũng chưa biết trồng thay thế bằng cây gì vì giờ đã lỡ vụ, bỏ ruộng không mấy tháng thì rất tiếc”, anh Quang lo lắng.
Theo anh Quang, ruộng của các xóm Đồng Tâm, Đại Thắng, Đồng Ích thuộc vùng chân cao, thiệt hại cũng lớn nhưng “không thấm gì” so với các xóm ở vũng trũng phía Nam xã. Tìm đến cánh đồng của các xóm Tiền Phong 1, Tiền Phong 2, Tân Dân, Trung Thành nằm ở phía Nam con đường trục xã Nam Mỹ, chúng tôi thấy đúng như lời anh Quang. Cả một vùng đào, quất rộng bạt ngàn bị héo rũ vì mưa lụt trước đó, một cảnh tượng vắng lặng, buồn bã y hệt những cánh rừng vừa bị thả chất độc...
Không cần sổ sách, ông Đào Trường Chinh, Phó ban Nông nghiệp xã Nam Mỹ cho biết, năm nay nông dân trong xã trồng 97 ha đào, quất. Trận mưa lụt kéo dài vừa qua đã khiến 63/97 ha đào quất của xã bị thiệt hại nặng. Trong đó, các xóm thuộc vùng trũng đào, quất bị chết lên tới 90%; các xóm thuộc chân cao- nơi chưa bao giờ có chuyện đào quất bị chết vì úng ngập thì đào, quất bị chết cũng lên tới 40%.
“Ở đây đào, quất được chia làm nhiều loại. Nếu là loại đầu năm trồng, cuối năm bán giá thường cũng được 200- 250.000 đồng/cây. Mỗi sào bà con thường trồng từ 100-120 gốc, tính ra nông dân Nam Mỹ mất khoảng 20-30 triệu đồng. Riêng diện tích đào, quất loại đã qua 4-5 tuổi, kiểu dáng cầu kỳ, giá vài triệu một cây thì thiệt hại còn lớn hơn nhiều lần”, ông Chinh lượng hóa về thiệt hại.
Qua quốc lộ 21, tiếp tục len lỏi qua những cánh đồng đào, hoa, cây cảnh của xã Nam Toàn (Nam Trực) cảnh tượng chúng tôi gặp cũng không khác gì ở xã Nam Mỹ. Theo đó, trên đồng đào quất héo rũ, nhiều diện tích nông dân đã chặt bỏ, trơ ra những thửa ruộng bạc màu. Nhiều gia đình huy động người ra chặt đào, chất đống châm lửa đốt, hộ khác lại huy động máy làm lại đất để tranh thủ vớt vát bằng việc trồng rau màu.
Ông Hoàng Trung Tích, Chủ tịch HĐQT kiêm GĐ Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Toàn buồn rầu: “Tôi năm nay 56 tuổi, lần đầu chứng kiến một trận mưa lụt khủng khiếp đến vậy! Ban đầu thấy mưa liên tiếp trong hai ngày 6-7/10 rồi dừng. Nhưng rồi đến ngày mồng 9, mồng 10, sang cả ngày 11 mưa lại liên tiếp trút xuống, chúng tôi biết mình trắng tay. Trong mấy ngày, cả xã huy động đến 9 cái trạm bơm, hoạt động liên tục nhưng không ăn thua”.
Tại trời, tại cả người
Cùng chúng tôi len lỏi qua những ruộng đào, quất héo rũ, ông Triệu Văn Bích, phụ trách công tác khuyến nông của xóm 5, thôn Đại Thắng, xã Nam Mỹ cho biết ngoài mưa lụt, việc hàng chục ha đào quất chết héo còn có nguyên nhân hệ thống thủy lợi tiêu nước ở đây không còn phát huy tác dụng.
Dẫn chúng tôi tới chiếc cống vừa được xây, bắc ngang qua đường nối Cầu Tân Phong với quốc lộ 21, ông cho biết trước đây, kênh An Lá 11 chạy thẳng qua địa bàn xóm. Khi đường nối cầu Tân Phong được làm mới, chạy qua, dự án đã nắn chỉnh làm biến dạng dòng chảy của kênh. Từ chỗ đang chảy thẳng, giờ đây kênh phải chạy theo hình chữ chi, làm hạn chế tốc độ chảy, không thể thoát nước kịp.
Đi dọc kênh An Lá 11, chúng tôi còn được chứng kiến lòng kênh kín đặc bèo tây cùng các loại rác rưởi, không hiểu khi ruộng đồng cần tiêu, nước sẽ chảy bằng cách nào? Lý giải việc này, ông Đào Trường Chinh, Phó Ban Nông nghiệp xã Nam Mỹ cho biết trách nhiệm bảo vệ dòng chảy thuộc về Công ty Khai thác Công trình Thủy lợi Nam Ninh phụ trách địa bàn 2 huyện Nam Trực- Trực Ninh.
Tuy nhiên, công ty này đã ký hợp đồng ủy thác bảo vệ dòng chảy cho HTX Nông nghiệp Nam Mỹ. Trước đây, theo chỉ đạo của công ty, HTX thường huy động nhân lực để phun hóa chất diệt bèo tây. Tuy nhiên việc này sau đó phải dừng lại, một phần vì việc phun hóa chất không diệt được bèo triệt để, mặt khác bị người dân địa phương phản đối vì gây ô nhiễm nguồn nước. Thay vào đó, theo hợp đồng giữa hai bên, HTX chuyển sang vớt bèo bằng phương pháp thủ công.
Tuy nhiên, kinh phí công ty trả cho HTX chỉ là 1000 đồng/1m dài, theo định mức khoán chung của tỉnh Nam Định. Ông cũng cho biết, địa bàn xã Nam Mỹ có 8 tuyến kênh cấp 1, cấp 2 do Công ty Khai thác Công trình thủy lợi Nam Ninh quản lý, công vớt bèo cùng được công ty trả với mức 1.000 đồng/1m dài thì “với mức khoán này, chả ai muốn làm”, ông Chinh lý giải.