Cơm tự giác
Bà Nguyễn Thị Hà năm nay 77 tuổi có lẽ là thực khách thường xuyên nhất của quán cơm từ thiện của anh Bi. Bà Hà neo đơn lại sức khỏe yếu nên bước đi như liêu xiêu trước gió Đông. Ban ngày bà mò mẫm bán vé số ở đoạn phố Lê Quý Đôn. Bà đi không được xa nên quay lui quay lại con đường này. Đến gần trưa là ghé vào quán của anh Bi ngồi nghỉ rồi ăn cơm từ thiện. Thương người phụ nữ nghèo khó, cô đơn, anh Bi luôn dành sự trân trọng, chia sẻ cho bà.
Thấy bà Hà vừa đến, anh Bi liền bưng ghế và ưu tiên bưng cho bà một suất cơm trước tiên. Nhìn phần cơm được anh Bi mang đến, bà Hà ngước mắt nhìn chủ quán với cử chỉ đầy cảm động. Anh dặn mọi người trong gia đình hôm nào thấy bà Hà đến mà anh đi vắng thì mọi người nhớ giúp đỡ, đừng để người già tự mình phục vụ như các thực khách khác.
Anh Bi luôn trân trọng, yêu thương tất cả người nghèo đến với quan cơm mình. Hơn ai hết anh biết việc làm của mình sẽ có ý nghĩa gấp bội nếu người đến ăn cơm cảm thấy ấm lòng, được chia sẻ thực sự.
Khai trương vào cuối tháng 9, quán cơm chay từ thiện 1.000đ của anh Bi ra đời với mục đích mang lại cho người nghèo một bữa ăn chất lượng với giá thành thấp. Là một người ăn chay trường đã 20 năm cùng mong muốn được giúp đỡ người nghèo, quán cơm là tâm nguyện cháy lòng của anh Bi cũng như những người thân trong gia đình ấp ủ từ rất lâu.
Quán có diện tích khoảng 50 mét vuông, được mở bán từ 9h sáng đến 2h chiều vào tất cả các ngày. Thực khách của quán đa số là sinh viên nghèo khổ, những người lao động nghèo, vất vả… Mỗi ngày, quán phục vụ khoảng 1.000 suất cơm với giá tượng trưng 1.000đ. Vào những ngày rằm, mùng một âm lịch hàng tháng có khi còn lên đến gần 2.000 suất. Chỉ tính riêng lượng gạo mỗi ngày có thể lên đến 80 đến 90 ki-lô-gam.
“Vì các nồi cơm điện cỡ lớn như các quán cơm bình thường hay dùng không thể đáp ứng được nhu cầu nên tôi cũng vừa đặt mua một tủ nấu cơm công nghiệp với công suất gần 100 ký gạo mỗi ngày”, anh Bi hồ hởi khoe chúng tôi.
Ấn tượng đầu tiên đó là không khí đông vui, ấm áp, dễ bắt gặp được những nụ cười hạnh phúc từ thực khách cho đến những người trong quán. Điều đặc biệt đó là quán không hề có bất kỳ nhân viên phục vụ nào. Sau khi lấy đĩa ở kệ, khách hàng tự đến thùng cơm lấy đủ phần ăn của mình, sau đó đưa đến khu vực đồ ăn để nhận đồ ăn. Ăn xong, thực khách sẽ đến khu vực bên ngoài quán ăn và tự rửa bát đĩa, lau khô, xếp lên kệ để cho người đến sau có bát đĩa sạch để ăn. Cứ thế quán hoạt động và không cần một nhân viên phục vụ nào.
“Mình thắp lên một ngọn nến, nhiều người cùng thắp lên một ngọn nến... thì sự chia sẻ sẽ được kéo dài”, anh Nguyễn Quang Bi.
|
Anh Bi tâm sự, quán cơm chay từ thiện này ra đời nhằm mục đích muốn chia sẻ bớt gánh nặng cuộc sống cho người nghèo. Vì vậy, việc quán không có nhân viên phục vụ cũng nhằm mục đích để mọi người có thể cùng nhau chia sẻ gánh nặng công việc, tập cho mình tính tự giác. Một số người thấy việc anh Bi làm ý nghĩa nên tình nguyện đến quán hàng ngày để phụ giúp quán hoạt động được nhanh chóng hơn.
Niềm vui được chia sẻ
Về quyết định tự mình mở ra một quán cơm từ thiện, anh Bi chỉ cho rằng đây là việc làm để trả ơn nghĩa cho đời. Ngoài chủ quán cơm chay 1.000đ, người đàn ông này còn là chủ một doanh nghiệp xây dựng cùng với chuỗi café sạch ở Quảng Trị cũng như 2 nhà hàng chay lớn tại Huế. Anh dành dụm một phần lời lãi kiếm được từ công việc kinh doanh để chia sẻ với người nghèo. Anh không giàu hơn so với nhiều người kinh doanh khác nhưng luôn muốn sống yêu thương, chia sẻ với người khó khăn hơn mình.
Khi được hỏi tại sao anh không kêu gọi bất kỳ nguồn lực nào khác thêm vào, anh cho rằng bản thân muốn tự giác làm, không muốn lý tưởng của mình lại phải nhờ người khác giúp đỡ.
Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, biết mình không có xuất phát điểm cao như những người khác, anh Bi luôn khát khao vươn lên để có chỗ đứng trong xã hội. Tốt nghiệp kỹ sư cầu đường, anh bươn chải khắp nơi, làm rất nhiều công việc. Bằng những cố gắng không ngừng nghỉ, anh đã đạt được nguyện vọng của đời mình: “Cây được chăm bón ắt cho quả ngọt, đó là nhân quả”, anh tâm sự.
Chợt nhìn xa xăm, anh nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp và giãi bày: Ngày còn chưa biết gì, nhiều người đã tận tình chỉ dạy, cưu mang, giúp đỡ mình rất nhiều để mình có ngày hôm nay. Tôi muốn nối tiếp tâm nguyện của những người luôn sống đẹp. Rồi tôi sẽ dạy cho con cháu tôi làm theo để tâm nguyện của mình trở thành những việc làm nghĩa thiện.
Từ bài học đạo lý làm người, anh Bi muốn tiếp tục giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn để họ có thể bớt đi một chút gánh nặng. Anh cũng từng là người nghèo nên anh hiểu hơn ai hết giá trị lớn nhất của cuộc sống là sự chia sẻ, yêu thương.
Lấy bài học từ quản lý một tiệm cơm nhỏ, anh dạy cho các cháu, các em của mình sống nhân ái, năng động hơn trong cuộc đời, để khi lớn lên bước ra với xã hội rộng lớn cũng có thể thu xếp cho cuộc sống một cách nhẹ nhàng hơn.
Một quán cơm từ thiện không phải là một việc mới lạ, cũng đã rất nhiều người làm và anh Bi cũng đã từng làm trước đây. Cách đây 4 năm anh cũng từng mở một tiệm cơm từ thiện như vậy nhưng vì giá mặt bằng quá cao nên được một thời gian thì anh đành bỏ dở. Không từ bỏ được lý tưởng giúp đời, giúp người của mình, anh tiếp tục mở tiệm cơm chay từ thiện 1.000đ và quyết tâm đeo đuổi đến cùng cuộc đời.
Anh Bi cũng đã từng đi làm từ thiện ở nhiều nơi, giúp đỡ nhiều người. Anh thường cùng gia đình liên hệ với chính quyền địa phương để tổ chức phát gạo, quà cho bà con có hoàn cảnh khó khăn và không kêu gọi bất kỳ tổ chức nào đóng góp, anh cho đó chỉ là một hành động nhỏ không đáng nhắc đến và không cần hô hào.
Luôn nặng lòng với quê nghèo, bằng sự quen biết của mình, anh Bi còn kêu gọi nhiều dự án cải tạo nông thôn như đường sá, các dự án nước sạch cho vùng quê Quảng Trị của mình. Quê hương mình vẫn còn nghèo khó nên anh luôn nhận thức được phải cố gắng góp sức xây dựng quê hương. “Là một người con Quảng Trị, sinh ra trên mảnh đất đạn bom máu lửa nên có lửa trong mình”, anh Bi nói rằng đó là lý do cho sự nhiệt huyết của mình.
Sau hơn 20 năm với sự nỗ lực làm việc không ngừng nghỉ của bản thân cùng với một vốn liếng kha khá nhưng anh vẫn luôn khiêm tốn. Anh cho rằng "lợi nhuận" lớn nhất mà anh thu về được chính là niềm vui của những người nghèo mà anh đã giúp đỡ họ.