Phát triển quýt, giữ được rừng
Quýt vàng Bắc Sơn là giống cây ăn quả bản địa. Cây ưa ánh sáng tán xạ, độ ẩm vừa phải, sinh trưởng tốt trongkhe núi, thung lũng. Nổi tiếng bởi màu vàng của nắng, vị ngọt của núi, hương thơm của gió rừng tạo cho quýt Bắc Sơn có một hương vị đặc biệt thơm ngon được người tiêu dùng ưa chuộng.
Thích hợp với thời tiết lạnh và khô mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới nên quýt Bắc Sơn sinh trưởng phát triển tốt trong thung lũng thuộc vùng núi đá, độ cao 500 - 700m so với mực nước biển.
Hiện toàn huyện Bắc Sơn có trên 490ha quýt, trong đó diện tích cho sản phẩm trên 362ha, sản lượng năm 2016 gần 1.500 tấn. Cây quýt tập trung nhiều ở xã Đồng Ý, Bắc Sơn, Chiến Thắng, Tân Lập, Nhất Hòa... Năm 2017, dự kiến sản lượng quýt đạt 2.000 tấn. Với giá 20.000 đồng/kg đang được các thương lái lùng tận vào các lân, lũng mua đã mang về cho nông dân khoảng 40 tỷ đồng.
Năm 1990, gia đình ông Hoàng Cao Vinh ở thôn Hồng Phong I, xã Chiến Thắng trồng 200 cây quýt. Giống quýt mà ông Vinh lựa chọn là quýt vàng Bắc Sơn được ươm từ hạt quýt đầu dòng. Sau gần 20 năm trồng và chăm sóc, cây vẫn cho thu hoạch với màu sắc quả rất đẹp. Trung bình mỗi năm thu từ 4 - 5 tấn quả. Năm 2016 trừ chi phí, gia đình ông thu nhập gần 200 triệu đồng. Năm nay dự kiến vườn quýt nhà ông cho thu 15 tấn quả. Với giá trung bình 20.000 đồng/kg như hiện nay thì gia đình thu về gần 300 triệu đồng.
Từ ngày 16 - 17/12/2017, huyện Bắc Sơn sẽ tổ chức lễ đón nhận văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Quýt vàng Bắc Sơn” và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp - văn hóa - du lịch huyện năm 2017. |
Ông Dương Hữu Vương ở thôn Đông Đằng II, xã Bắc Sơn, năm 1997 đầu tư trồng 500 cây quýt. Những năm tiếp theo ông Vương vừa chăm sóc vừa trồng mới, đến nay vườn quýt của ông có diện tích trên 1ha với 800 gốc, trong đó trên 500 cây cho thu hoạch. Theo ông Vương, chỉ nên bón phân hữu cơ đã để hoại mục, không bón các loại phân hóa học. Không nên cuốc xới dưới gốc quýt vì rễ cây ăn lên bề mặt rất dễ bị đứt, chỉ nên phát cỏ và phải giữ độ ẩm cho cây. Bởi vậy muốn phát triển vườn quýt thì phải giữ được rừng.
Cây làm giàu
Để bảo tồn và phát triển giống quýt vàng, huyện Bắc Sơn đã phối hợp với Sở KH-CN Lạng Sơn thực hiện đề tài "Xây dựng thương hiệu quýt vàng Bắc Sơn". Theo đó, bình tuyển những cây ưu tú và có biện pháp bảo vệ nguồn gen quý và tạo ra vườn giống đầu dòng phục vụ cho công tác phát triển vùng hàng hóa theo tiềm năng sẵn có của địa phương. Thông qua việc phục tráng, đã tạo ra giống quýt sạch bệnh, cung cấp cho bà con đưa vào SX, giúp hàng nghìn hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Gia đình anh Phan Văn Hiền ở thôn Hồng Phong IV, xã Chiến Thắng chọn giống cây quýt đặc sản địa phương để trồng. Nếu như đa phần các hộ trồng quýt trong các lân, lũng thì anh lại trồng trên đất nương bãi và quýt chiết cành. Chỉ sau 4 năm trồng, cây đã cho thu hoạch. Vụ quýt 2017, gia đình anh có 400 cây, thu hoạch được 10 tấn quả cho thu nhập hơn 200 triệu đồng.
Nhằm giữ vững và nâng cao thương hiệu quýt vàng Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn đã xây dựng mô hình SX theo quy trình VietGAP để đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, nâng cao tính cạnh tranh cũng như hiệu quả kinh tế của sản phẩm, giúp bà con tiêu thụ ổn định hơn. Hiện toàn huyện có gần 200 hộ gia đình trồng và chăm sóc quýt theo VietGAP.
Tháng 10/2017, quýt vàng Bắc Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Đây là cơ hội lớn để quýt vàng Bắc Sơn vươn xa đến với mọi miền tổ quốc, nhưng đồng thời cũng đặt ra vấn đề đối với huyện Bắc Sơn là nâng cao chất lượng, bảo tồn và phát triển thương hiệu quýt vàng.