18 tháng tuổi, Sidis đã đọc lưu loát báo. Năm lên 8 tuổi, Sidis có thể nói trôi chảy tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga, Latin, Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia. 9 tuổi, ông tự mình sáng tạo ra một loại ngôn ngữ mới với tên gọi “vendergood”. Thứ ngôn ngữ này được các nhà nghiên cứu đánh giá là hoàn thiện, chính xác và tuyệt vời.
11 tuổi, Sidis trở thành sinh viên trẻ tuổi nhất trong lịch sử đại học danh tiếng Harvard. Vào một đêm lạnh giá tháng 1/1910, ở tuổi 12, Sidis tự tin đứng trước cộng đồng các nhà khoa học và báo chí để thuyết trình về chiều không gian thứ 4. Sau buổi nói chuyện, giáo sư Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) Daniel Comstock đã quả quyết rằng Sidis sẽ trở thành nhà toán học quan trọng nhất thế kỷ 20. Song khi trưởng thành, cuộc sống của Sidis dần đi vào ngõ cụt, ông chọn cách sống thu mình, né tránh mọi con mắt chú ý.
Sự thông minh ở Sidis có lẽ được thừa hưởng từ cha và mẹ ông. Cha Sidis là một nhà tâm lý học nổi tiếng người Nga gốc Do Thái nhập cư vào Mỹ. Mẹ ông là một trong những nữ bác sĩ đầu tiên thời kỳ đó. Họ có một mục tiêu lớn là nuôi dạy Sidis trở thành thiên tài thực thụ. Nhưng cũng bởi chính lý do này, họ chỉ tập trung rèn luyện trí não cho Sidis mà quên đi khía cạnh khác cũng vô cùng quan trọng: Cảm xúc và tinh thần của ông.
Trong cuốn sách ghi lại tiểu sử của Sidis, tác giả Amy Wallace đã miêu tả cách cha mẹ ông nuôi dạy con trai mình thành thiên tài. Theo bà, họ vô cùng quyết liệt, hà khắc trong việc giáo dục ông. Họ toàn tâm toàn ý theo đuổi ước vọng biến Sidis thành thần đồng số một thế giới. “Mẹ ông ấy dành toàn bộ tiền tiết kiệm để mua sách, bản đồ cùng những công cụ học tập khác để khuyến khích cậu con trai báu vật”, Wallace cho hay.
Thực tế, Harvard chấp nhận Sidis từ lúc ông mới 9 tuổi nhưng nhà trường muốn chờ đến khi Sidis đủ 11 tuổi mới cho ông nhập học. 5 năm sau, ông tốt nghiệp với tấm bằng danh dự. Thế nhưng, năm tháng ở Harvard của Sidis không chỉ có những ký ức đẹp.
“Ông ấy bị biến thành trò cười”, Wallace kể. “Ông ấy thú nhận rằng chưa từng hôn một cô gái nào. Ông ấy bị trêu chọc và bị đuổi đánh. Điều đó khiến Sidis xấu hổ. Thứ duy nhất Sidis muốn là tránh xa khỏi thế giới học thuật và làm một người lao động bình thường”.
Vì quá nổi tiếng, Sidis luôn bị cánh phóng viên bám theo và ông căm ghét điều này.Tại lễ tốt nghiệp, ông đã nói: “Tôi muốn sống một cuộc đời hoàn hảo. Chỉ có một cách để làm được như vậy, đấy là sống trong sự tách biệt. Tôi luôn luôn ghét đám đông”. Từ đây, Sidis theo đuổi triết lý sống cực kỳ khắt khe, ông từ chối quan hệ tình dục, nghệ thuật, âm nhạc và bất cứ thứ gì khiến ông sao lãng trên con đường chinh phục tri thức.
Sau khi rời Harvard, cha mẹ và xã hội kỳ vọng những điều vĩ đại ở Sidis. Ông bắt đầu nghiên cứu và giảng dạy môn toán tại Đại học Rice, thành phố Houston, bang Texas, khi mới 17 tuổi. Sự nổi tiếng và việc ông ít tuổi hơn hầu hết sinh viên khiến công việc vấp phải vô vàn khó khăn. Ông quyết định thôi việc, trở về sống tại Boston.
Có trí tuệ hơn người nhưng Sidis luôn phải vật lộn đấu tranh để đi tìm bản sắc. Tháng 5/1919, ông bị bắt vì cầm đầu một cuộc biểu tình. Trong tù, ông gặp Martha Foley, người phụ nữ ông đem lòng yêu. Nhưng mối quan hệ giữa họ không đi đến đâu bởi Sidis vẫn ôm quan niệm tình yêu, tình dục và nghệ thuật là những yếu tố khiến cuộc sống trở nên “không hoàn hảo”.
Ra tù sớm nhờ sức ảnh hưởng của cha mẹ, Sidis dấn thân vào cuộc sống ẩn dật, tránh xa mọi “đám đông”. Ông liên tục thay đổi chỗ ở, công việc, sử dụng tên giả để che giấu thân phận. Quãng thời gian này, Sidis viết một loạt sách nhưng ông dùng những bút danh khác nhau nên giới chuyên gia không thể xác định chính xác số lượng.
Năm 1924, Sidis đã cắt đứt toàn bộ liên lạc với cha mẹ và không còn quan hệ với bất kỳ ai thực sự quan tâm tới ông. Song báo chí lại tìm ra ông và cái tên William James Sidis một lần nữa sống dậy. Loạt bài báo viết về những công việc “trần tục” cùng cuộc sống bình thường không xứng với danh xưng “thần đồng” của Sidis được xuất bản. Xấu hổ và đau khổ, Sidis tìm cách quay về bóng tối.
Nhưng công chúng vẫn tò mò về ông, tự hỏi vì sao một tài năng xuất chúng như thế bị lãng phí. Năm 1937, báo New Yorker đăng bài viết với tiêu đề “Cá tháng Tư” miêu tả cuộc sống mà Sidis trải qua với những chi tiết ông cho là xúc phạm, khiến ông trông như “kẻ điên”. Ông kiện báo New Yorker tội phỉ báng và chiến thắng. Tuy nhiên, hình ảnh thần đồng xuất chúng Sidis đã sụp đổ.
Cuối cùng, vào một ngày mùa hè năm 1944, Sidis được phát hiện bất tỉnh trong căn hộ nhỏ ông thuê ở Boston. Ông bị đột quỵ và qua đời vì xuất huyết não ở tuổi 46.