Vì sao không đối thoại trực tiếp?
Báo NNVN đã có bài phản ánh về việc tỉnh Bắc Giang đang có kế hoạch "khai tử" hệ thống khuyến nông, thú y viên cấp xã. Sau thời gian lấy ý kiến các huyện/thành phố, ngày 24/4/2018, Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang có báo cáo số 51 về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, các thôn, tổ dân phố và những người hoạt động không chuyên trách.
Trong đó nêu rõ: “Không bố trí chức danh khuyến nông và thú y cơ sở ở cấp xã, nhân viên khuyến nông và thú y ở thôn”. Cán bộ khuyến nông và thú y cơ sở ở cấp xã được giải quyết chế độ theo quy định hoặc chuyển sang đảm nhận chức danh khác theo nguyên tắc trên do địa phương sắp xếp, bố trí.
Có thể khẳng định, việc tinh giản, sắp xếp lại bộ máy hành chính cấp xã, thôn là vấn đề hệ trọng. Bởi nó liên quan đến hàng ngàn người. Trước khi lập phương, cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các cấp, ngành, nhất là các đơn vị đang quản lý, sử dụng cán bộ không chuyên trách (Đảng ủy, chính quyền các xã, thôn).
Nếu là một tổ chức chính quyền trọng dân và vì dân; tôn trọng quyền và bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân (trong đó có người lao động), thì lẽ ra Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang cũng cần tổ chức đối thoại, lấy ý kiến đóng góp từ… những người trong cuộc là các khuyến nông, thú y viên cấp xã. Họ đang có nguy cơ bị xáo trộn việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập, đảo lộn đời sống sinh hoạt.
Trước khi Sở Nội vụ tỉnh này ra báo cáo số 51, cả một đội ngũ khuyến nông, thú y viên lên tới gần 500 người không hề nhận được văn bản dự thảo xin góp ý kiến đó. “Chúng tôi đã bị sốc. Cảm thấy mình như bị dội một gáo nước lạnh. Bao nhiêu năm qua, chúng tôi không ngừng cống hiến, góp phần phát triển nền nông nghiệp của tỉnh, giờ bị phủ định công lao. Trước nguy cơ mất việc, ai mà không bức xúc”, chị Nguyễn Thị Oanh - khuyến nông viên xã Nham Sơn (huyện Yên Dũng) chia sẻ.
Thậm chí, ở huyện Lạng Giang, có trường hợp của ông Nguyễn Văn Lừng (SN 1983, trình độ đại học) vừa mới được ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn (là cán bộ khuyến nông cơ sở, làm việc tại xã Xuân Hương) với UBND huyện Lạng Giang đúng 3 ngày thì bị rà soát. Bất ngờ là trước đó, trường hợp này đã được Sở Nội vụ thẩm định đủ điều kiện để tuyển dụng hợp đồng cán bộ khuyến nông (ngày 29/3/2018).
Đá trách nhiệm cho xã
xếp cán bộ khuyến nông, thú y cấp xã, họ sẽ được giải quyết chế độ theo một trong các hình thức: chuyển sang cán bộ, công chức xã; chuyển sang cán bộ không chuyên trách cấp xã và hướng bố trí khác do địa phương tự sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ cho thôi việc (hưởng chế độ BHXH, hưởng trợ cấp thôi việc) do các xã tự bố trí. Tuy nhiên, ông Lương Hồng Sơn - thú y viên xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) cho rằng: “Phương án sắp xếp trên rất mơ hồ và không khả thi”.
Ví dụ, cuối năm 2017, ở TP Bắc Giang tổ chức thi tuyển công chức cấp xã. Các công chức trúng tuyển đã đi làm từ ngày 1/3/2018. Như vậy, rất nhiều xã đã đủ chỉ tiêu công chức, không thể chuyển khuyến nông viên, thú y xã thành công chức được. Đồng thời, nhiều xã cũng đang thừa đội ngũ bán chuyên trách, không thể bổ sung thêm được. Giải pháp cuối cùng là nhà nước hỗ trợ cho thôi việc. Nhưng hiện nay, không ai biết mình sẽ được hỗ trợ bằng hình thức nào. Tất cả vẫn như mớ bòng bong. "Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị được đối thoại trực tiếp với lãnh đạo tỉnh, nhưng nguyện vọng chính đáng đó không được đáp ứng", ông Sơn nói.
Trước thắc mắc của nhiều thú y, khuyến nông cơ sở, luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng: Trong trường hợp này, tỉnh Bắc Giang phải xây dựng đề án để giải quyết dứt điểm, tiếp tục sắp xếp nhân sự, tạo việc làm cho các đối tượng bán chuyên trách này (đưa họ vào phòng nào, ngành nào của xã, huyện?) để đảm bảo sinh kế nuôi sống bản thân, gia đình và đóng góp cho xã hội.
Đây là vấn đề phức tạp, do đó, tỉnh Bắc Giang không thể đẩy trách nhiệm cho xã được. Vì đây chỉ là cấp cơ sở, không thể bổ sung biên chế, quy hoạch biên chế. Nếu không, phải hỗ trợ thỏa đáng để người lao động chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định cuộc sống.
|
Khuyến nông viên tổ chức hội thảo đầu bờ hướng dẫn tiến bộ kỹ thuật trồng trọt
|
Chị Phạm Thị Quế, khuyến nông viên xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng cho rằng: “Lộ trình tỉnh Bắc Giang thực hiện các quy trình để tiến tới “khai tử” hệ thống khuyến nông, thú y cấp xã là không cụ thể, như kiểu đánh úp chúng tôi”.
Còn ông Ngô Văn Long, thú y cơ sở xã Đồng Tâm, huyện Yên Thế chia sẻ: “Mỗi năm, tổng thu nhập của xã tôi khoảng 120 tỷ đồng. Trong đó, riêng chăn nuôi đã đạt 90 tỷ. Thử hỏi, không có đội ngũ cán bộ thú y, khuyến nông hàng ngày theo dõi, phòng trừ dịch bệnh, đặc biệt là các dịch bệnh nguy hiểm như tai xanh, lở mồm long móng, cúm gia cầm… thì liệu rằng thành tích của địa phương có được không?
Nếu không có chúng tôi, ai là người thực hiện tiêm phòng, khoanh vùng dập dịch, tiêu độc khử trùng? Vì sao không giảm bớt số lượng một số chức danh khác. Bởi rất nhiều xã có tới 2 - 3 cán bộ tài chính; 2 - 3 cán bộ địa chính; 2 - 3 cán bộ văn phòng; 2 - 3 cán bộ pháp chế. Bên cạnh đó là rất nhiều chức danh mặt trận, đoàn thể”.