Thế nhưng nhiều năm nay, nhà máy này chỉ hoạt động cầm chừng do thiếu nguồn nguyên liệu trầm trọng.
Năm 2012, nhà máy sản xuất và chế biến bột cá Thiên Phú bắt đầu đi vào hoạt động với 7 thành viên tham gia. Đây là nhà máy bột cá duy nhất ở Hà Tĩnh, nằm ngay cảng Cửa Sót với công suất hoạt động 100 tấn/ngày. Từ khi nhà máy đi vào hoạt động, tất cả các loại cá tạp, giá thấp đều được thu gom về đây để sản xuất bột cá. Nếu như nhiều năm trở về trước, thời gian này là đợt hoạt động cao điểm, mỗi ngày có hơn 100 công nhân làm việc thì năm nay chỉ hoạt động cầm chừng.
Chỉ tính năm 2017, nhà máy tiếp tục hoạt động thua lỗ với sản lượng đạt 300 tấn, doanh thu chỉ đạt xấp xỉ 6 tỷ đồng. Anh H, công nhân làm việc lâu năm tại nhà máy cho hay: “Những năm đầu, sản lượng cá dồi dào, hợp tác xã thu mua ổn định, sản lượng tăng cao. Có thời gian chúng tôi làm việc cả tuần mới được nghỉ ngơi. Thế nhưng, sau sự cố môi trường biển, nhà máy bắt đầu lâm cảnh khó khăn, bột cá sản xuất ra không có đơn vị thu mua, một số đơn vị cũ cũng khước từ đơn hàng vì cho rằng cá nhiễm độc”.
Bà Phạm Thị Nhơn, Giám đốc HTX Thiên Phú cho biết: “Khi nhà máy mới đi vào hoạt động, có thời điểm, cơ sở chúng tôi sử dụng hơn 100 lao động chính, chưa kể lao động thời vụ. Tuy nhiên, nhiều năm nay, tài nguyên thủy hải sản khan hiếm, cơ sở hoạt động èo uột không đủ để trả tiền lương cho công nhân nên phải cắt giảm chỉ còn chưa đến 10 công nhân. Đối với đầu ra bột cá nay đã dần ổn định, các cơ sở thu mua trở lại nhưng không đủ sản phẩm để cung ứng”.
Hoạt động của nhà máy chế biến bột cá phụ thuộc rất lớn vào sản lượng đánh bắt của ngư dân. Thời điểm nhiều nhất HTX thu mua được khoảng 15 – 20 tấn/ngày, còn bình thường chỉ gom được hơn 1 tấn/ngày. Do không đủ nguyên liệu để sản xuất nên cơ sở phải gom từng cân cá bỏ vào tủ cấp đông. Cứ tầm khoảng 10 - 15 ngày mới đưa ra sản xuất. “Nếu nói về công suất thì chưa đủ để chạy máy nhưng cứ gom được khoảng 10 tấn là đưa ra xay vì để trong kho cấp đông rất tốn tiền điện mà máy lâu ngày không hoạt động rất dễ hư hỏng”, bà Nhơn chia sẻ thêm.
Chị Lê Thị Thanh Hương, Phó giám đốc nhà máy buồn rầu: “Mình cố gắng cầm cự khỏi hư máy móc chứ không có lãi. Chúng tôi thu mua cá tạp trên toàn tỉnh từ Vũng Áng (Kỳ Anh) đến Cửa Hội (Nghi Xuân), thậm chí phải ra tận các cảng cá ở Nghệ An chấp nhận chi phí cao hơn nhưng vẫn không đủ nguyên liệu sản xuất. Có những tháng chỉ vận hành máy vài lần để cầm chừng”.
Bột cá được sử dụng làm thức ăn cho các vật nuôi, thị trường tiêu thụ của HTX Thiên Phú chủ yếu trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Nghệ An, Thanh Hóa… Cá tươi được thu mua với giá từ 4.000 đến 10.000 đồng/kg còn bột cá thành phẩm được bán ra có giá từ 30.000 đến 40.000 đồng/kg. Một số doanh nghiệp nước ngoài như Hàn Quốc, Trung Quốc đề nghị hợp tác xuất khẩu bột cá nhưng do không đủ nguyên liệu cung cấp thường xuyên cho đối tác nên HTX đành phải từ chối.
“Đói” nguyên liệu, doanh thu liên tục sụt giảm, nhiều năm liền HTX hoạt động không có lãi khiến nhiều thành viên HTX đòi rút vốn. “Về nguyên nhân sản lượng thủy hải sản suy giảm trong thời gian gần đây một phần là do hình thức đánh bắt tận diệt, hơn nữa luồng lạch các cảng cá trên địa bàn Hà Tĩnh ngày càng cạn, các chủ tàu thuyền thường chọn các tỉnh khác để ra vào khiến cho nguồn nguyên liệu ở đây khan hiếm”, chị Hương chia sẻ.