Hiện nay vùng nuôi cá tra ở ĐBSCL có diện tích dao động trên 5.000-6.000 ha. Theo kế hoạch từ đầu năm 2018 của Bộ NN-PTNT sản lượng khoảng 1,3 triệu tấn/năm, kim ngạch XK khoảng 1,8 tỷ USD...
Xuất khẩu cá tra về cuối năm đang thuận lợi, ông dự báo và nhận định gì?
Hiện nay vùng nuôi cá tra ở ĐBSCL có diện tích dao động trên 5.000-6.000 ha. Theo kế hoạch từ đầu năm 2018 của Bộ NN-PTNT sản lượng khoảng 1,3 triệu tấn/năm, kim ngạch XK khoảng 1,8 tỷ USD, với mục tiêu không nhằm gia tăng sản lượng lớn, tập trung nâng cao chất lượng đàn cá nuôi và hạ giá thành sản xuất. Dự báo đến cuối năm thị trường vẫn tốt, dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra cả năm 2018 có thể đạt 2,1-2,2 tỷ USD, mức kỷ lục trong 20 năm qua.
Sang năm 2019 cá tra XK tiếp tục thuận lợi?
Có nhiều ý kiến phân tích, dự đoán năm 2019 cá tra xuất khẩu về cơ bản gặp nhiều thuận lợi. Nhất là nếu mức thuế chống phá giá tại thị trường Mỹ (vào giữa năm tới công bố) vẫn duy trì mức thấp. Vừa qua sau khi thông tin về việc công nhận cá tra Việt Nam có sự tương đồng với việc nuôi tại Mỹ (theo đạo luật Nông trại Farm Bill) thị trường xuất sang Mỹ đang tăng trở lại. Các thị trường lớn khác như các nước EU đang tăng trở lại; Trung Quốc vẫn giữ nhịp tiêu thụ tốt.
Như vậy VINAPA dự tính kế hoạch như thế nào?
Nếu đón nhận tín hiệu thị trường tốt nên duy trì mức sản lượng 1,3-1,35 triệu tấn/năm. Tập trung nâng cao chất lượng đàn cá nuôi, chế biến sản phẩm giá trị gia tăng nhiều hơn nữa từ cá tra như: sản phẩm cá tra tinh chế, Collagen, dầu cá, bột cá, xương cá… để tăng kim ngạch xuất sản phẩm thô.
VINAPA đang lo cá tra đang gặp sự cạnh tranh?
Số liệu từ đầu năm 2017 cho thấy sản lượng cá tra nuôi ở các nước Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Myanmar… đạt gần bằng với cá tra Việt Nam. Song, với ưu thế từ điều kiện tự nhiên của Việt Nam từ nguồn nước vùng nuôi, cá giống, giá thành SX thấp và công nghệ chế biến đã đi trước thì cần có sự đột phá mới trong công nghệ chế biến nhằm tăng sức cạnh tranh.
Thực tại vùng nuôi là cá giống lúc thừa - thiếu và tỷ lệ hao hụt nhiều, ông nghĩ sao?
Để vùng nuôi cá tra đạt sản lượng 1,3 triệu tấn cần khoảng 2,5 tỷ cá giống. Quả thật tỷ lệ cá giống còn hao hụt quá cao là điều lo ngại, thực tế cá bột ương đạt chỉ 5-7%. Trong phần tỷ lệ còn lại này qua quá trình nuôi hao hụt khoảng 40%. Chính vì suy giảm chất lượng con giống đã làm hạn chế tốc độ tăng trưởng ngành hàng cá tra khi thị trường có lợi.
Vậy chung qui vẫn còn bất cập từ quy hoạch?
Trong thời gian qua tuy các tỉnh, thành có vùng nuôi cá tra thực hiện việc quy hoạch cá tra. Hơn nữa việc tự phát nuôi cá tra chưa có biện pháp chế tài và chủ yếu chỉ khuyến cáo, vận động…Điều này có thể nhận ra khi cá giống cá tra tăng cao ở một số địa phương vùng Đồng Tháp Mười (Long An) tự phát gần 1.000 ha ao nuôi ương cá tra giống. Do vậy muốn thực hiện quy hoạch vùng nuôi thủy sản và SX có kế hoạch đáp ứng theo nhu cầu thị trường cần khuyến khích thực hiện liên kết theo chuỗi giữa các HTX, người nuôi cá có hợp đồng tiêu thụ với các nhà máy chế biến cá tra.
Vùng nuôi cá tăng nóng sẽ tái diễn khủng hoảng thừa?
Tôi cho rằng dù thị trường đang tốt lên nhưng không lo tình hình nuôi cá tra phát triển nóng. Đó là do tình hình SX giống tỷ lệ ương nuôi còn thấp, hao hụt nhiều lượng cung không đáp ứng nhu cầu. Mặt khác tuy giá cá tra thương phẩm tăng cao, lợi nhuận cao nhưng phía các ngân hàng thương mại còn lo ngại việc hộ gia đình nuôi cá tra tự phát (chỉ cho vay theo hình thức có hợp đồng liên kết tiêu thụ với nhà máy). Do đó với một ao nuôi cá tra thu hoạch đạt 400 tấn cần khoảng 10 tỷ đồng. Cần số vốn nhiều như vậy sẽ khó xảy ra việc hộ nuôi cá tra tự phát và tăng trưởng nóng trong một sớm một chiều.