Hiện trái cây tươi xuất khẩu của nước ta không chỉ đòi hỏi cao về vấn đề an toàn thực phẩm, còn phải đối mặt với hàng loạt các rào cản kỹ thuật khác; đặc biệt là các vấn đề kiểm dịch thực vật.
Vì vậy, xuất khẩu trái cây còn đòi hỏi về vấn đề truy nguyên nguồn gốc xuất xứ, quản lý dịch hại theo hướng an toàn hiệu quả. TS Hồ Văn Chiến, nguyên GĐ Trung tâm BVTV phía Nam cho biết, trên lĩnh vực cây ăn trái ông thấy vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần phải quyết như người trồng cứ nghĩ là sao cho được lợi nhuận, chứ ít chú ý về các điều kiện sản xuất lâu dài. Họ trồng cây ăn trái mà cứ nghĩ như cây ngắn ngày. Chỉ trồng khai thác trong vòng 5-6 năm thôi, không nghĩ là ăn trên 10 năm hoặc 20 năm.
"Trong vấn đề canh tác cơ bản nhất là khi xảy ra dịch hại, cây trồng mà khỏe thì dễ dàng phòng trị, còn ngược lại thì rất khó. Thứ hai, trong khâu BVTV mỗi quốc gia có tiêu chuẩn riêng về kiểm dịch thực vật, kiểm soát lưu lượng thuốc BVTV. Do đó khâu chủ yếu vẫn phải là đảm bảo quy trình SX theo tiêu chuẩn chung an toàn chất lượng, chứng minh với người tiêu dùng là sản phẩm làm ra sạch, an toàn", ông Chiến chia sẻ.
GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (ĐH Cần Thơ) cho hay: Trong thời gian qua, nhà vườn thường SX theo phong trào, song cần chọn cho mình kỹ thuật SX phù hợp với điều kiện đất đai, sao cho sản phẩm an toàn đối với người tiêu dùng. Hiện bà con có thể chọn một trong những quy trình SX như GAP, hữu cơ, sinh học,… để có được sản phẩm chất lượng, giá thành thấp, đủ sức để cạnh tranh, không chỉ xuất khẩu mà còn cho cả thị trường trong nước.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón hữu cơ và vô cơ, các nhà khoa học khuyến cáo bà con nông dân kết hợp hài hòa giữa các loại phân bón để cho kết quả tốt nhất. Phân hữu cơ làm tăng sức khỏe của đất, cải thiện được đặc tính vật lý của đất mà phân vô cơ không làm được, có nguồn vi sinh cho những vi sinh vật trong đất.
Phân hữu cơ ở trong đất cũng tăng cường khả năng giữ dinh dưỡng cho đất, có nhiều mùn hữu cơ như Humic acid, Fulvic acid tác động trực tiếp về sinh học lên cây mà phân vô cơ không có. Phân vô cơ có nhiều thế mạnh mà phân hữu cơ không có như hàm lượng dinh dưỡng cao, cung cấp kịp thời dinh dưỡng cho cây, tiết kiệm chi phí. Do đó, bổ sung hai loại phân bón này với nhau sẽ giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng.
Những năm gần đây, để quản lý tốt vấn đề dịch hại, nhiều nhà vườn đã khởi đầu bằng việc áp dụng các mô hình quản lý dịch hại tổng hợp như IPM, rồi nâng lên thành các chương trình chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Thạc sỹ Lê Quốc Cường, GĐ Trung tâm BVTV phía Nam cho biết: “Đầu tiên là các biện pháp canh tác rất quan trọng. Canh tác tốt thì chúng ta mới quản lý tốt các đối tượng dịch hại, tạo cho cây trồng sức khỏe tốt, chống chịu lại điều kiện bất lợi của môi trường cũng như là chống chịu các đối tượng dịch hại xâm nhập vào vườn cây ăn trái. Sau đó chúng ta mới áp dụng các giải pháp thân thiện môi trường như nuôi kiến vàng hoặc sử dụng dầu khoáng hay sử dụng các loại chế phẩm Metarium... Trong quá trình canh tác chúng ta tìm những yếu điểm của dịch hại để can thiệp vào thì sẽ quản lý hiệu quả hơn, giảm đi thuốc hóa học”.
Nói về canh tác cây sầu riêng, anh Nguyễn Minh Thảo ở huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre) cho biết: “Tôi sử dụng đa số phân sinh học. Trước khi thu trái, thời gian cách ly khoảng từ 20-25 ngày không sử dụng phân, thuốc. Do đó người tiêu dùng yên tâm sử dụng.”