Cụ Lê Văn Canh, thôn Khách, xã Minh Hải, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) có một cái ao. Theo bản đồ 299 được lập năm 1980, thì ao đó mang số thửa 114, tờ bản đồ số 10 bản đồ địa chính xã Minh Hải, có diện tích 372m2, mang tên cụ Lê Văn Canh.
Bản đồ 299 được lập theo chỉ thị số 299/TTg ngày 10/11/1980 của Thủ tướng Chính phủ “về công tác đo đạc, phân hạng và đăng kí ruộng đất trong cả nước”. Theo quy định tại điều 100 Bộ luật Đất đai năm 2013 và các Nghị định 43/2014/NĐ-CP, 01/2017/ NĐ-CP, thì các giấy tờ được lập trong quá trình thực hiện việc đăng kí ruộng đất theo bản đồ 299/TTg là một trong các căn cứ để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà người đang sử dụng đất đó không phải nộp tiền sử dụng đất.
Năm 1988 cụ Lê Văn Canh mất. Trước khi mất, cụ đã chia thửa ao đó cho 3 người là Lê Văn Tháp, Lê Văn May và Lê Văn Tặng. Ông Tháp là con cụ Canh, May là cháu nội cụ Canh còn Tặng là cháu nội người anh ruột của cụ Canh. Vì vậy theo bản đồ địa chính được lập, thì thửa ao của cụ Canh trở thành 3 thửa.
Thửa thứ nhất mang số 275, đứng tên ông Tháp, diện tích 145m2; thửa thứ hai mang số 274, đứng tên anh May, có diện tích 120m2; thửa thứ ba mang số 273, đứng tên anh Tặng, diện tích 87m2. Cả 3 thửa có tổng diện tích 352m2, đều thuộc tờ bản đồ số 22 bản đồ địa chính xã Minh Hải. Điều này hoàn toàn phù hợp với sổ mục kê đất đai lập năm 2003 của thôn Khách. Đó là bản đồ và sổ mục kê mới nhất, từ năm 2003 đến nay xã Minh Hải không có một bản đồ địa chính hay một sổ mục kê đất đai nào khác.
Năm 2015, vợ chồng bà Nguyễn Thị Quang và ông Lê Văn Bôn tự tiện đổ đất lấp diện tích ao của ông Tháp. Mặc dù trưởng thôn Khách đã lập biên bản yêu cầu ông Bôn-Bà Quang ngừng lấp ao, nhưng họ không dừng. Năm 2016, ông Tháp gửi đơn lên UBND xã, nhưng xã không nhận. Cũng năm đó, vợ chồng ông Bôn nộp đơn lên UBND xã, khẳng định diện tích 145 m2 đất ao của ông Tháp là của mình.
Điều kì lạ là lần này UBND xã lại nhận đơn, tổ chức hòa giải. Tại cuộc hòa giải đó, dù vợ chồng ông Bôn không có bất cứ một thứ giấy tờ gì chứng tỏ mình có quyền sử dụng 145m2 đất ao mang tên ông Tháp trong bản đồ địa chính năm 2003, nhưng ông Lê Văn Thuấn, Bí thư Đảng ủy, và ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hải, những người chủ trì cuộc hòa giải, vẫn công nhận vợ cồng ông Bôn có quyền sử dụng thửa đất đó. Ông Tháp gửi đơn đến UBND huyện Văn Lâm, đề nghị UBND huyện làm rõ nguồn gốc đất đai, trả lại cái ao 145m2 cho ông.
Thiết tưởng, vụ việc nói trên, UBND huyện Văn Lâm chỉ mất 5 phút là giải quyết xong. Bởi vì theo quy định của điều 3 Bộ luật Đất đai năm 2013, thì bản đồ địa chính là bản đồ thể hiện các thửa đất và các yếu tố địa lí có liên quan, lập theo đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.
Và theo điều 31 thì : Bộ trưởng Bộ TN- MT quy định về việc lập, chỉnh lí và quản lí bản đồ địa chính trên cả nước; UBND cấp tỉnh tổ chức việc lập, chỉnh lí và quản lí bản đồ địa chính ở địa phương.
Như vậy, bản đồ địa chính có giá trị pháp lí rất cao. Nó khẳng định rằng người nào có tên trên thửa đất nào của bản đồ địa chính, thì người đó chính là chủ sử dụng thửa đất đó. Như vậy, chỉ cần căn cứ các điều luật trên, ra quyết định công nhận thửa ao mang số 275, tờ bản đồ số 22 bản đồ địa chính xã Minh Hải năm 2003 là đất của ông Tháp, là xong. Vợ chồng ông Bôn không có tên trên thửa đất đó mà tự ý đổ đất lấp ao, thì ra quyết định yêu cầu khắc phục hậu quả. Nếu không thì cưỡng chế.