Ám ảnh bữa cơm chỉ có măng chấm muối trắng
Mười năm trước, tôi lần đầu lên Sơn La. Ngày ấy, cây ngô còn thống trị ở tỉnh Tây Bắc này. Ngoại trừ Mộc Châu đã hình thành nghề nuôi bò sữa và nông trường chè, suốt dọc quốc lộ từ Yên Châu lên tới Mai Sơn, rồi Thuận Châu, Sông Mã, Quỳnh Nhai..., đâu đâu ngô cũng bạt ngàn, ngô leo tít tắp lên tận đỉnh đồi.
Mai Sơn, nơi trời phú cho những dải đất đỏ bazan màu mỡ trải dài tít tắp, cây ngô ngợp trời. Khoảng trước năm 2008, khi các giống ngô lai năng suất cao của những tập đoàn nước ngoài ồ ạt đổ bộ lên vựa ngô Sơn La, nó không chỉ xóa đói nghèo đeo đẳng bà con dân tộc thiểu số nơi đây, mà còn giúp nhiều nơi sung túc.
Thế nhưng sứ mệnh của cây ngô kéo dài không được lâu, khi mà giá phân bón, giống, công lao động... cứ ngày một tăng vùn vụt, trong khi giá ngô thì hàng chục năm qua vẫn cứ dậm chân ở mức dưới 5.000 đồng/kg. Đó là chưa kể cây ngô ngày càng phập phù mất mùa vì nắng hạn, vì rớt giá, vì hao hụt nấm mốc khi thu hoạch... Rốt cuộc, cây ngô chỉ làm lợi cho những ông chủ đầu tư, trong khi người trồng ngô thì cứ ngày một còm cõi.
Vụ thu hoạch ngô năm 2010, Sơn La đại mất mùa ngô do nắng hạn. Vựa ngô huyện Mai Sơn năm đó gần 60% diện tích ngô mất trắng. Dọc QL6, qua khỏi thị tứ Cò Nòi về huyện Yên Châu thời điểm ấy, những ngọn đồi ngô đã chết héo lâu ngày, trắng xóa.
Nông dân bản Huổi Phù, xã Chiềng Đông (huyện Yên Châu) buồn rười rượi dẫn tôi lên thăm những đồi ngô xác xơ, không ra bắp, hoặc bắp chỉ bé bằng đầu chiếc đũa cả, bóc vỏ ra chỉ thấy lõi lèo tèo vài hạt lép. Xã có 13 bản gần như sống dựa hoàn toàn vào gần 800ha ngô thì có gần 600ha ngô mất trắng vì nắng hạn, chiếm hơn 70% tổng diện tích...
Năm ấy, bà con trồng ngô buồn nát lòng bởi những nương ngô chết héo ràn rạt vì hạn. Đã thế tới lúc thu hoạch, Sơn La thường trùng mùa mưa, đường sạt lở nên xe tải của cánh chủ đại lí không thể vào chở ngô đi, những đống ngô thu hoạch xong chất tạm bợ trên đồi nấm mốc la liệt.
Buổi chiều hôm ấy, trời mưa như trút, đường từ thị trấn Hát Lót vào xã Tà Hộc (huyện Mai Sơn) trơn trượt, từng vạt đồi đổ ụp xuống chắn ngang. Đến được Tà Hộc thì trời đã tối thui, cảnh mưa rừng buồn tới nao lòng.
Tà Hộc là xã vùng sâu của huyện Mai Sơn, hun hút tận giáp hồ Hòa Bình. Đã vào vụ thu ngô nhưng năm ấy, bà con không ai buồn lên rẫy vì ngô không ra bắp. Thương lái mạn Hòa Bình không còn đánh thuyền ngược xuôi dọc sông Đà lên bến sông Tà Hộc mua ngô nữa nên bến sông lạnh tanh. Năm đó, Tà Hộc có 11 bản gần như cả năm chỉ trông hết vào gần 1.200ha ngô nhưng đã có hơn 1.000ha mất trắng.
Chập choạng tối, trưởng bản Mè (xã Tà Hộc) anh Mè Văn Đồng mới gùi tải ngô về tới lán. Xem kỹ, thấy bắp ngô chỉ bé như cán liềm, nhưng mỗi bắp chỉ có dăm bảy hạt. Đồng cho biết mới đi mót ở 2 nương ngô rộng 2ha nhưng chỉ được 20 bao tải ngô lép. Bản Mè lúc ấy có 26 hộ thì đã đều thành hộ nghèo hết. Riêng nhà trưởng bản Mè Văn Đồng thì vẫn “nợ lưu niên” 30 triệu đồng của chủ đại lí, một số tiền không nhỏ.
Món nợ ấy, anh bảo từ đời ông, rồi tới đời bố đã thấy nợ ông chủ Hiệu ở dưới Hát Lót. Đến khi ông, rồi tới bố qua đời năm 2008, Đồng làm chủ gia đình thì phải trồng ngô tiếp để gạt nợ.
Bữa ăn nhà Đồng hôm ấy chỉ mỗi nồi cơm nấu từ gạo cứu trợ và 1 ít măng luộc chấm muối trắng. Cảnh đứa bé con anh Đồng mới 2 tuổi gùi sau lưng người mẹ trẻ cứ ngặt nghẽo khóc khiến ám ảnh mãi.
Cùng chuyên gia đi ghép nhãn
"Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi / Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi". Lời thơ của cố nhà thơ Quang Dũng trong bài Tây Tiến cứ gợi cho người ta cái cảm giác xa xôi khi lần đầu đặt chân tới mảnh đất huyện Sông Mã (Sơn La).
Nhưng chính ở mảnh đất xa xôi ấy, từ năm 2009 - 2010, trong khi cây ngô vẫn đang làm mưa làm gió khắp nơi ở Sơn La thì ở Sông Mã, một phong trào ghép cải tạo vườn tạp, trong đó chủ yếu là cây nhãn cổ thụ đã bắt đầu nhen nhóm, khởi đầu cho con đường đưa tỉnh Sơn La trở thành thủ phủ cây ăn quả lớn nhất nhì cả nước ngày hôm nay.
Cây nhãn được những hộ di dân từ miền xuôi đưa lên Sông Mã từ những năm 1960 - 1970, rồi lan nhanh ra toàn huyện. Giống nhãn được gieo từ hạt thực sinh, trồng vung vãi như là cây phủ xanh đất trống đồi núi trọc trong các dự án trồng rừng 327, 661.
Đến năm 2009, diện tích nhãn của cả huyện Sông Mã lúc ấy đã lên tới 5.000ha, nhưng toàn là nhãn thóc, nhãn nước, quả chỉ bé bằng đầu ngón tay út, hạt thì to mà cùi thì mỏng, đến trẻ con cũng chẳng thèm ăn.
Đã thế, hàng nghìn ha nhãn cổ thụ 20 - 30 năm tuổi, có khi cả chục năm không ra quả, họa hoằn lắm mới có năm được mùa. Thế nên từ năm 2008 - 2009, khi cây ngô khuynh đảo ở Sơn La, phong trào chặt nhãn để trồng ngô cứ thế lan ra, suýt nữa thì cây nhãn bị xóa sổ.
Đúng giai đoạn ấy, năm 2009, Viện Nghiên cứu Rau quả (FAVRI) đã triển khai thử nghiệm ghép cải tạo vườn nhãn tại huyện Sông Mã. Thuyết phục những hộ dân đầu tiên chặt bỏ những cây nhãn cổ thụ lớn như cây rừng để ghép cải tạo thật chẳng đơn giản chút nào.
Nhóm chuyên gia do PGS.TS Trịnh Khắc Quang, nguyên Viện trưởng, TS Ngô Hồng Bình, nguyên Phó Viện trưởng FAVRI cùng các kỹ sư đã phải “gạ gẫm” rất nhiều hộ dân, cuối cùng mới được một hộ dân đồng ý, đó là một hộ dân ở xã Nà Ngựu, huyện Sông Mã. Vườn nhãn cổ thụ hơn 100 gốc của gia đình này lúc ấy một số đã bị chặt để trồng ngô, chỉ còn trơ gốc.
Những gốc nhãn suýt bị vỡ đi ấy, được ghép vào những mắt ghép là giống nhãn lồng đưa từ các vườn giống gốc ở Hưng Yên đưa lên. Chỉ sau một năm, những gốc nhãn ghép đã ra quả trĩu trịt, quả nào quả nấy to mẩy như đít chén, cùi dày, hạt lại nhỏ, ngọt lịm, lái buôn khắp nơi tìm đến gạ mua với giá cao gấp 5 - 6 lần so với loại nhãn thóc, nhãn nước trước đây.
Ở xã Nà Nghịu (huyện Sông Mã), hộ ông Lường Văn Thoan ở bản Mé cũng là một trong những gia đình đầu tiên trong xã dám bạo gan dám chặt vườn nhãn cổ thụ để cán bộ của FAVRI ghép cải tạo. Còn nhớ đầu năm 2011, tôi từng có lần tới thăm gia đình anh khi vừa hoàn thành xong việc chặt bỏ vườn nhãn đang để chuẩn bị ghép.