Kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, nhiều thế hệ nhà báo, làm báo có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của báo chí qua các thời kỳ. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, trước những đòi hỏi bức bách của cuộc sống, sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và truyền thông, đang đặt ra cho báo chí những đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn.
Truyền thông cho nông sản Việt vừa là yêu cầu, thách thức, vừa là mảnh đất mà người làm báo có thể gieo mầm xanh cho nhiều hạt giống tốt, góp phần xây dựng những mô hình sản xuất tốt, đưa nông sản Việt từ đồng ruộng ra thương trường trong nước và quốc tế.
Báo chí luôn đi đầu trong các tuyến thời sự nóng bỏng. Nhiều nhà báo đã xông xáo trên nhiều mặt trận, có nhiều tác phẩm hay, tác động mạnh mẽ trong cuộc sống, kịp thời biểu dương, động viên người tốt, việc tốt, những mô hình tiên tiến trong nông nghiệp, nông thôn.
Không chỉ phản ánh khách quan, trung thực sự việc, mà nhiều tác phẩm báo chí còn mang tính phát hiện vấn đề, phản biện những bất cập từ cơ chế, chính sách. Không khó để nhận thấy những cơ chế, chính sách được điều chỉnh nhờ sự lên tiếng mạnh mẽ của báo chí.
Ở vùng lúa gạo, thủy sản, trái cây miền Tây, báo chí đã tập trung phản ánh những bất cập của chính sách tam nông từ “đào tạo nghề ngồi nhầm lớp”, chính sách hỗ trợ nông dân tăng cơ giới hóa nông nghiệp, bất cập trong triển khai xây dựng cánh đồng lớn, đến mua lúa tạm trữ, tiêu thụ nông sản… Qua đó, các quy định, cơ chế, chính sách bất cập được sửa đổi, hoàn thiện hơn, công tác quản lý chuyên ngành được quan tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả hơn.
Song, cũng phải khách quan luận công và tội. Một số bài báo, vì sự cẩu thả của người viết và cơ quan quản lý, xu hướng thương mại hóa báo chí, thu hút độc giả bằng các chiêu trò… đã cho “ra lò” những sản phẩm độc hại, cộng với dư luận đồn thổi, đã tác động tiêu cực trong xã hội. Đó là các kiểu tin bài như “ăn bưởi bị ung thư vú”, “cá điêu hồng, thịt heo nhiễm chất độc từ thức ăn chăn nuôi” tạo hiệu ứng xấu và làm điêu đứng không ít gia đình nông dân lam lũ.
Vào thời điểm xuất hiện tin đồn cá điêu hồng nhiễm chất cấm, thương lái bất ngờ ngưng thu mua. Giá cá sụt giảm thê thảm, nông dân thiệt hại nghìn tỉ đồng. Một người nuôi cá ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp than: “Chỉ cần một thông tin như thế, người nuôi cá chúng tôi thiệt hại quá nặng nề. Thời điểm giá cá rớt thê thảm, không ít người lâm vào cảnh nợ nần”.
Mặt trái của báo chí còn bộc lộ, những bài báo chỉ “phản ánh một phần sự thật”, thiếu tính toàn diện, thiếu định hướng, gây ngộ nhận. Tội của một số “sản phẩm báo chí” còn có nguyên nhân từ sự cẩu thả của phóng viên. Trước áp lực tin bài phải nộp, đã có tình trạng 1 phóng viên tham dự 1 sự kiện chia sẻ thông tin cho nhiều người, một số bài viết tường thuật sự kiện “từ xa” ở nhà hay quán cà phê, có khi gặp “sự cố” bất ngờ.
Báo chí đang đứng trước những thách thức của mạng xã hội. Chạy theo thông tin nhanh trên mạng xã hội để chiều lòng xu hướng đám đông hay góp phần định hướng dư luận là thách thức không dễ vượt qua.
Làm báo ngày nay, không chỉ là sự phản ánh trung thực, nhanh nhạy, đa chiều, có định hướng tích cực, tạo phong cách riêng, mà mỗi tờ báo còn gánh nặng nỗi lo tài chính. Làm sao có doanh thu để tự trang trải chi phí và nuôi sống bộ máy một cách đàng hoàng? Làm sao để tiếp nối nhiệm vụ vinh quang trong bối cảnh có nhiều thay đổi về phương thức, phương tiện và công nghệ thông tin có những bước tiến như vũ bão? Làm sao để sống được bằng nghề báo? Những câu hỏi lớn không dễ có lời đáp trong thực tế.