Vị thế của sách giáo khoa đã đổi khác
Thưa GS Trần Đình Sử, mới đây Bộ GD-ĐT công bố quyết định ra mắt bộ sách giáo khoa mới lớp 1. Xin ông cho biết trong chiến lược chung của giáo dục Việt Nam thì sách giáo khoa nằm ở mắt xích nào và có vị trí như thế nào đối với cải cách giáo dục Việt Nam hiện nay?
Theo Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và theo Thông tư của Bộ GD-ĐT, chúng ta đang tiến hành đổi mới toàn diện, triệt để về GD-ĐT. Đổi mới lần này khác với những lần trước. Trước hết là thay đổi về tư tưởng giáo dục.
Trước kia, chúng ta nặng về đào tạo kiến thức, nặng về thi cử, nặng về luyện thi, nặng về chuyện trả bài… Chúng ta coi sách giáo khoa, như có người nói, là “pháp lệnh”, giáo viên phải tuân thủ, phải học theo cho nên chỉ cần một bộ thôi. Còn lần này khác trước ít nhất mấy điểm sau:
Một là, chúng ta thay đổi chuyển hướng từ đào tạo kiến thức sang đào tạo năng lực và phẩm chất của con người. Khác nhau ở đây tức là vấn đề học sinh vẫn học kiến thức nhưng phải tiếp nhận kiến thức ấy, chuyển hóa kiến thức ấy về dạng năng lực và phẩm chất.
Điều này không phải riêng gì Việt Nam mà hầu như trên thế giới tất cả các nước đều thực hiện. Đào tạo ra năng lực tức là đào tạo ra con người chứ không phải chuyển tri thức từ đầu óc người thầy sang đầu óc học trò, biến học trò thành thụ động tiếp nhận.
Hai là, trong định hướng nêu trên, chúng ta đã soạn một chương trình thống nhất từ lớp 1 đến lớp 12 theo các mạch kiến thức và kĩ năng phát triển liên tục từ Tiểu học qua Trung học Cơ sở đến Trung học Phổ thông với các yêu cầu cần đạt tăng dần theo cấp học, lớp học và lứa tuổi. Chương trình đó được Bộ GD-ĐT công bố rồi.
Mối quan hệ giữa chương trình với sách giáo khoa bây giờ cũng mới, đã khác trước. Trước kia, chương trình chỉ nêu các nội dung lớn, và được cụ thể hoá bằng sách giáo khoa và học trò học theo. Bây giờ đổi khác. Chương trình soạn chi tiết về tri thức và yêu cầu cần đạt từng lớp. Điều này cho phép một chương trình có nhiều sách giáo khoa.
Vì sao như thế? Toàn bộ nền giáo dục phải thực hiện chương trình, lấy chương trình làm chuẩn; sách giáo khoa chỉ là tài liệu học tập. Cho nên người ta không kiểm tra, đánh giá theo sách giáo khoa mà kiểm tra, đánh giá theo chương trình. Kiểm tra, đánh giá, thi cử phải căn cứ vào yêu cầu cần đạt của chương trình đối với từng cấp, từng lớp, không dựa vào sách giáo khoa. Cho nên ai viết sách giáo khoa cũng được. Anh viết sách giáo khoa là anh tạo nên một phương án để dạy chương trình chứ không phải chạy theo sách giáo khoa. Không có sách giáo khoa nào làm chuẩn hết mà phải lấy chương trình làm chuẩn.
Sắp tới có thể anh sẽ thấy điều này: Người truyền đạt chương trình cho giáo viên là Bộ GD-ĐT. Họ chịu trách nhiệm truyền đạt đúng tinh thần nội dung của chương trình cho giáo viên để giáo viên thực hiện.
Còn sách giáo khoa thì Bộ GD-ĐT lo phần thẩm định, cho phép sử dụng nhưng không lo việc hướng dẫn cách sử dụng. Đó sẽ là việc của các cơ quan xuất bản và nhóm tác giả biên soạn sách. Tác giả sách giáo khoa với nhà xuất bản sẽ có trách nhiệm truyền đạt cách sử dụng sản phẩm ấy cho những giáo viên mà họ sẽ chọn bộ này hay bộ kia. Cho nên ta thấy vị thế của sách giáo khoa đã đổi khác. Nhưng điều đó không có nghĩa là sách giáo khoa không có giá trị gì. Không phải thế.
Bởi vì từ chương trình đến sách giáo khoa thì sách giáo khoa tạo ra một con đường, một cách thực hiện, một phương pháp, một gợi ý để cho giáo viên sử dụng và thực hiện chương trình. Dạy bây giờ là dùng sách giáo khoa để thực hiện chương trình. Cho nên cách sử dụng này khác, không giống trước. Vì vậy hiện nay người ta chấp nhận có nhiều sách giáo khoa.
Một số phụ huynh băn khoăn nhiều sách giáo khoa thì loạn, không biết thi cử như thế nào?
Tôi xin trả lời ngay, theo quy định, thi cử không dựa vào sách giáo khoa mà dựa vào chương trình. Thí dụ, chương trình yêu cầu lớp này phải biết làm việc này. Thế là giáo viên ra bài nào để kiểm tra được năng lực ấy của học trò là được. Tất nhiên nói thế không phải mọi việc đều suôn sẻ, đều xuôi chèo mát mái cả, mà còn rất nhiều vấn đề bởi vì Việt Nam chưa làm kiểu này bao giờ.
Lần đầu tiên Việt Nam làm kiểu này trong khi các nước trên thế giới đã làm rồi. Cho nên thế nào trong quá trình cũng có chỗ chệch choạc. Thí dụ, ra đề làm sao để không trùng sách này sách kia, đồng thời kiểm tra được yêu cầu đặt ra của chương trình.
Bây giờ trong chương trình mới này có một phần rất quan trọng là chia ra nội dung từng lớp. Trong nội dung từng lớp có mục yêu cầu cần đạt. Tức là kiến thức anh học cái gì? Kiến thức, ấy là một khái niệm trừu tượng thôi. Kiến thức ấy phải đạt cái gì trong đó.
Ví dụ bây giờ học trò đọc một bài học về truyện dân gian thì phải biết được những gì về truyện đó? Đối với môn Ngữ văn thì chỉ có 2 yêu cầu chính: Một là đọc hiểu được. Hai là viết văn được. Đọc hiểu được tức là đọc được các thể loại văn bản, từ đơn giản nhất như đồng dao, ca dao, tục ngữ… Trong đấy có rất nhiều yêu cầu thuộc năng lực mà trước kia không đề cập đến.
Thí dụ như đọc hiểu thế nào, nhận dạng thế nào, nhân vật có đặc điểm gì và học trò phải bày tỏ thái độ, biết so sánh… Tất nhiên không thể đòi hỏi học sinh như nhà nghiên cứu. Chỉ cần học sinh có thái độ tích cực khi tiếp nhận.
Thứ hai là viết được văn bản. Trong các văn bản học sinh đọc hiểu thì có ba loại. Một là văn bản văn học, hai là văn bản nghị luận, ba là văn bản thông tin. Văn bản thông tin ví dụ như giới thiệu một công trình hay giới thiệu một tư tưởng khoa học… Hoặc một bài báo giới thiệu về nguyên tử, giới thiệu về thiên hà, hay giới thiệu về một giống cây, một loại sâu bọ, một loại vi khuẩn… Học trò phải đọc được tất cả văn bản thông tin ấy.
Rồi viết thì học trò viết được các loại văn bản miêu tả, văn bản kể chuyện, văn bản nghị luận, văn bản thông tin và một số văn bản hành chính công vụ thông thường… Tóm lại, học trò chỉ cần làm được hai việc là đọc hiểu và viết được văn bản.
Viết được sách, phải rất hiểu biết
Các bậc phụ huynh và dư luận đang băn khoăn là tác giả sách giáo khoa hiện nay đa phần vẫn là những chuyên gia, những nhà nghiên cứu đang công tác và giảng dạy ở bậc đại học, chứ không phải giáo viên phổ thông? Đó là các chuyên gia của Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội)… Điều này có bất cập không thưa ông?
Theo tôi thì không bất cập. Trước đây có những người quan niệm để giáo viên soạn sách giáo khoa, họ sát với các em học sinh phổ thông hơn. Nói thế vì ở nước ta trước đây (giai đoạn trước 1945 - 1975) có nhiều nhà giáo phổ thông soạn được sách giáo khoa. Còn bây giờ những người như thế hiếm lắm.
Tất nhiên thời nay cũng có một số tiến sĩ vẫn dạy bậc phổ thông, hoặc các thầy cô giáo lâu năm có tích luỹ. Những người ấy đều có thể tham gia được. Nhưng để viết được sách giáo khoa đòi hỏi phải có trình độ kiến thức rất rộng, rất sâu và phải đọc nhiều sách, đồng thời phải rất hiểu khoa học giáo dục hiện đại, am hiểu cách các nước tiên tiến dạy học thế nào... Cho nên một số thầy, cô bậc đại học họ đã được chuẩn bị và có những người dành cả chục năm để chuẩn bị viết sách giáo khoa chứ không đơn giản đâu.
Ví dụ, GS Nguyễn Minh Thuyết, PGS Đỗ Ngọc Thống, PGS Bùi Mạnh Hùng, là những người tôi biết, họ đã theo sách giáo khoa hàng chục năm nay. Họ đã có nhiều dịp đi nước ngoài, sưu tập sách giáo khoa Anh, Pháp, Mĩ, có điều kiện dự giờ dạy ở nước ngoài. Các ông ấy có điều kiện để tổ chức biên soạn sách giáo khoa tốt. Trên thực tế mấy chục năm qua sách giáo khoa đều do các nhà giáo ở đại học viết cả thôi.
Theo tôi biết, sách giáo khoa trung học ở Nga và Trung Quốc đều do các giáo sư đầu ngành ở đại học chủ biên. Cho nên theo tôi, các bậc phụ huynh cũng không nên lo lắng quá. Tôi có thể nói rằng hiện nay nếu có giáo viên phổ thông nào có thể đứng ra gánh vác, để soạn sách giáo khoa thì tôi chắc Bộ GD-ĐT và nhà xuất bản sẽ hoan nghênh. Trước nay tôi đã thấy nhiều giáo viên phổ thông viết sách tham khảo theo định hướng nào đấy rồi, nếu gắng thêm thì có thể viết sách giáo khoa được.
Từ năm 1990 đến nay, ông đã nhiều lần chứng kiến và tham gia biên soạn sách giáo khoa, hy vọng và mong muốn của ông với lần thay đổi tới đây như thế nào?
Với sách giáo khoa mới lần này tôi cho rằng nó sẽ quan tâm đến việc học của học trò. Khi ta nói chương trình phải lấy học sinh làm trung tâm, trước đây tôi đã kêu gào mãi nhưng nhiều người chưa hiểu. Rất nhiều người không hiểu, cứ bảo trong nhà trường, thầy phải làm trung tâm. Thầy dạy thì cuối cùng học trò phải học được, học trò phải tiến bộ thì việc giảng dạy của thầy mới có ý nghĩa.
Còn thầy dạy mà học trò không tiếp thu được, không tiến bộ, thì thầy có lăn lộn, thức đêm thức hôm cũng là vứt đi. Học sinh làm trung tâm là như thế đấy. Bây giờ người ta thấm nhuần tư tưởng đó rồi. Bây giờ soạn sách để học sinh học, để tạo cho học sinh có rất nhiều hoạt động, có nhiều dạng bài tập học sinh phải làm.
Trước kia, hàng loạt câu hỏi xa xôi, trừu tượng. Khi xem sách giáo khoa từ hơn 10 năm về trước, chúng ta sẽ thấy rằng có những câu hỏi người lớn cũng không trả lời được huống chi học trò. Bây giờ thì câu hỏi tiệm cận dần đến hứng thú của học sinh. Khi người thầy hỏi đúng chỗ đó thì học sinh dồn dập giơ tay tham gia bài giảng. Qua nhiều giờ thực nghiệm đã được tổ chức ở các trường phổ thông và thấy hiệu quả rõ ràng.
Tôi không nghĩ rằng làm thay đổi hết được nhưng có những phần trăm (%) làm thay đổi cách học tập hiện nay. Và điều đó sẽ có những tác động tiến bộ dù không thể nói là tất cả được.
Muốn làm thành công thì sách chưa đủ
Qua những lần làm sách giáo khoa trước đây, ông có thể chia sẻ những bài học kinh nghiệm nào được rút ra không, thưa giáo sư?
Muốn làm thành công thì sách giáo khoa chưa đủ. Sách phải đúng hướng và phải làm cho giáo viên thấm nhuần được phương pháp dạy. Phương pháp là quan trọng. Rồi giáo viên phải thay đổi, phải được đào tạo lại. Thiết bị trong nhà trường phải thay đổi. Cách học bây giờ ngày 2 buổi thì trường lớp phải đảm bảo. Ngay như cháu tôi đi học mà phòng học chưa đủ, phải mượn lớp chỗ khác. Đây là ngay trung tâm Hà Nội đấy. Giữa Thủ đô còn không có môi trường cho học sinh vui chơi.
Tôi nghĩ rằng thực hiện việc này không hề đơn giản chút nào. Anh thay đổi mới là trên sách giáo khoa chứ còn làm cho giáo viên họ thấm nhuần phương pháp là không phải chuyện dễ. Bây giờ phải bồi dưỡng giáo viên.
Có một thực tế hiện nay là xã hội ít quan tâm đến vấn đề chuyên môn...
Cái chính là như thế.
Tôi nghĩ rằng sẽ không xảy ra vấn đề rắc rối vì nhiều sách giáo khoa đâu. Bởi vì các sách giáo khoa khác nhau thì vẫn là giải quyết một vấn đề của chương trình nêu ra mà thôi. Thậm chí nếu giáo viên giỏi, kiến thức uyên thâm, họ có thể chỉ cần đọc chương trình thôi và họ tự soạn lấy sách để lên lớp cho học sinh, không ai cấm cả.
|
Thời của GS đi học, dù đất nước có chiến tranh, để học được con chữ, mọi người đều rất chuyên tâm.
Bây giờ giáo viên họ có nhiều mối lo làm sao có thêm thu nhập chứ không phải chỉ chuyên tâm vào chuyên môn. Trong thời thế lúc này mà anh đòi hỏi giáo viên viết sách giáo khoa thì nói chung là khó. Bởi vì, đó là một công việc cực kỳ nặng nhọc mà đãi ngộ rất ít.
Tôi nói với anh, nặng nhọc ở một khâu đơn giản thế này: Anh chọn một văn bản nào đấy cho học sinh học mà nó thích là khó lắm. Tôi xem sách giáo khoa nước ngoài họ chọn thì cũng phải qua hàng trăm bản, rồi loại bỏ đi dần dần để lấy một bản. Văn bản đó mình đọc thấy được, học trò đọc thấy thích. Mà học trò thích thì mới học. Anh chọn một văn bản khô khan, nội dung già cỗi thì làm sao bắt học sinh say mê được?
Soạn sách công phu lắm. Cho nên nói thật với anh, lần này tôi thấy bắt đầu cũng chưa phải tốt lắm đâu nhưng hy vọng sẽ quen dần.
Vậy trong quá trình soạn sách giáo khoa chúng ta có kế thừa được của lớp các soạn giả trước đây như Trần Trọng Kim, Đỗ Thận, Dương Quảng Hàm…
Tinh thần chương trình là có kế thừa. Hiện nay sách mới soạn đến lớp một, chưa thấy rõ. Có thể SGK ở các lớp trên sẽ có kế thừa ít nhiều.
Nhưng anh thấy đó, về việc chọn văn bản cũng yêu cầu xét cả nhân thân tác giả bài chọn. Như thế có thể có bài có thể chọn mà không được chọn. Có sách chọn bài “Quả bứa” trong sách Quốc văn giáo khoa thư, nhưng nay đọc lại chẳng thấy giá trị giáo dục gì hay cả. Bây giờ theo tôi cần phải có văn bản hay mà chọn thì công phu lắm. Nếu người soạn sách không uyên bác, không đọc nhiều thì không chọn được. Khó lắm. Văn chương Việt Nam bây giờ chọn những đoạn văn tả cảnh hay cũng rất khó.
Nếu tôi làm Tổng chủ biên thì tôi sẽ đặt hàng các nhà văn những đoạn văn hay hoặc nhờ chỉ giúp tôi những đoạn văn hay của các nhà văn Việt Nam. Trước đây có nhà văn Nguyễn Phan Hách nhưng giờ ông ấy mất rồi. Văn Nguyễn Phan Hách đẹp lắm. Văn Đỗ Chu viết cũng hay. Nhưng phải biết chọn. Phải đọc nhiều để chọn ra. Tôi sợ rằng hiện nay thời gian gấp rút người ta không đọc kỹ, mà chọn ra những đoạn văn sổi. Đến nay tôi vẫn chưa hài lòng về các đoạn văn trích. Lớp 1, lớp 2 thì tránh bớt cái ngô nghê thôi chứ chưa chọn được nhiều văn hay.
Xã hội đang hiểu lầm người viết sách giáo khoa giàu có lắm
Ông có nói đến vấn đề đãi ngộ thấp. Nhưng thông tin trên báo chí, gần đây Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ vốn ODA cho Việt Nam đến 16 triệu USD để soạn sách giáo khoa? Vậy các tác giả soạn sách giáo khoa thu nhập ra sao?
Số tiền đó ở đâu thì tôi không biết. Tôi chỉ biết thời tôi làm thì sách giáo khoa không bao giờ được trả tiền theo số lượng in (tia-ra) cả. Người ta từ chối trả tiền sách giáo khoa theo tia-ra. Tôi không biết ở các nước như thế nào.
Theo tôi, nếu đã theo số lượng sách thì sách nào cũng vậy thôi, đã là sách thì phải trả theo số lượng in và theo giá bìa, như thế mới công bằng. Đằng này sách giáo dục không trả theo tia-ra mà trả theo số tiết.
Thí dụ, số tiết quy định cho bộ môn, môn Tiếng Việt ở bậc Tiểu học lớp 1 hiện nay là 450 tiết. Chương trình cũ chỉ có 350 tiết thôi. Số tiền họ trả theo tiết, còn in bao nhiêu mặc kệ người ta. Trước đây 350 tiết thì trả 300.000 đồng/tiết; bị phản đối, họ nâng lên 450.000/ tiết. Dựa vào nền tảng cơ sở nào để quy định cho số tiền trả cho 1 tiết thì không ai nói được, đại khái thế (cười).
|
Ảnh minh họa.
|
Sách cũ là như thế đấy, còn sách mới tôi không biết thế nào. Chúng tôi được hưởng trọn số tiền ấy một lần. Nghĩa là lần xuất bản đầu, tiền tôi được hưởng trăm phần trăm số tiền đó (số tiết x số tiền) và được hưởng 10% hay 12% số tiền nhuận bút từ số tiền đấy. Sang năm thứ hai, nhà xuất bản cắt hết, tác giả chỉ được hưởng ¼ số tiền đó mà thôi. Vô lý. Chúng tôi không hiểu tại sao. Người ta đã nghĩ cách tước đoạt càng nhiều của các tác giả soạn sách giáo khoa càng hay. Còn ai cầm số số tiền đó thì tôi không biết. Rất vô lý. Chúng tôi chỉ được hưởng duy nhất một lần như vậy mà thôi.
Lên các lớp cao hơn, số tiết ít đi, thì số tiền trả cho các tác giả cũng ít theo. Đến bậc Trung học Cơ sở, môn Ngữ văn còn 140 tiết và lên bậc Trung học Phổ thông thì chỉ còn 105 tiết dành cho môn Ngữ văn nữa thôi. Toàn bộ cuốn sách ấy soạn ra thế nào người ta mặc kệ, người ta chỉ trả cho những người soạn sách (105 tiết x số tiền quy định). Không phải một mình người chủ biên được hưởng trọn số tiền đó đâu, mà phải chia ra, một cuốn sách có khi 5 - 6 người viết. Số tiền mỗi người được đáng bao nhiêu đâu. Chả nhiều nhặn gì cả. Nhưng để soạn ra được 1 tiết trong sách giáo khoa thì tốn biết bao nhiêu công sức!
Xã hội hiện nay đang hiểu lầm là những người viết sách giáo khoa giàu có lắm. Họ không bao giờ được hưởng theo số lượng sách xuất bản. Tôi phải nói rõ ràng như thế. Vô lý như thế song giáo viên chúng tôi quen chịu đựng rồi, đâu biết kêu ai. Họ cứ nói thang ba-rem trả số tiền này do Bộ Tài chính duyệt rồi (cười).