Đó là thông tin đáng chú ý được TS Rick Nauert phát hiện và công bố trên Tạp chí Thần kinh của Mỹ mới đây.
Từ lâu người ta đã biết đến oxytocin như một hormone hỗ trợ sinh sản, vì nó có tác dụng giảm đau, hạn chế các cơn co thắt khi sinh đẻ. Nó giống như pitocin, mà bác sĩ thường tiêm cho các thai phụ chuẩn bị vượt cạn. Oxytocin còn tạo ra sự tập trung, bình tĩnh mà sản phụ cần có khi cho con bú.
Rick Nauert tuyên bố: "Công trình mà chúng tôi đã tiến hành trong suốt một thập kỷ qua đã phát hiện hóa chất oxytocin ảnh hưởng rất lớn đến đạo đức con người. Nó cho phép lý giải tại sao người này keo kiệt, người kia hào phóng? Kẻ này gian lận, người kia thật thà? Người này chung thuỷ, người khác lại trăng hoa?”.
Các nhà khoa học gọi oxytocin như là “hormone đạo đức” vì nó tạo ra niềm tin không chỉ trong các mối quan hệ yêu đương mà cả trong các giao dịch kinh doanh, trong chính trị hay trong đời sống xã hội. Nó tăng cường niềm tin giữa con người với nhau.
Người ta tiêm thử hoá chất này vào chuột đồng, một trong số ít loài vật thích sống thành đôi và làm cho chuột đực không thèm “phở” nữa mà đi đâu cũng chỉ về nhà “ăn cơm” thôi. Nhưng điều gây sốc hơn là, Rick Nauert còn tuyên bố :”Đã có bằng chứng đầu tiên xác nhận oxytocin cũng có tác dụng tương tự đối với con người".
Để chứng minh điều này, các nhà khoa học đã chọn ngẫu nhiên 86 người đàn ông khoẻ mạnh và chia thành hai nhóm A và B. Mỗi nhóm đều có khoảng một nửa là đơn thân, một nửa có vợ. Đối với nhóm A, các nhà nghiên cứu xịt chất oxytocin vào lỗ mũi (nơi có ảnh hưởng trực tiếp lên não). Trong khi nhóm B cũng được xịt một loại “giả dược” (vô tác dụng) để họ tin rằng cả hai nhóm đều được xịt một loại thuốc như nhau, tránh ảnh hưởng về tâm lý...
Sau 45 phút, cho một số tình nguyện viên nữ khá hấp dẫn tiếp cận với những tình nguyện viên nam. Đàn ông được yêu cầu đi về phía phụ nữ làm quen với họ. Một số phụ nữ khác chủ động đến làm quen với đàn ông.
Kết quả là, những anh chàng có vợ thuộc nhóm A (có xịt oxytocin) đã dừng lại ở khoảng cách với phụ nữ từ 28 đến 30 inch (tương đương 74 cm). Trong khi những anh chàng có vợ nhưng chỉ được xịt “giả dược” đã tỏ ra hám gái hơn, họ đến gần nữ hơn, chỉ cách từ 20 đến 24 inch. Chất oxytopcine tỏ ra vô tác dụng với đàn ông độc thân. Nó cũng không có bất kỳ ảnh hưởng nào giữa đàn ông này với đàn ông khác.
Chưa dừng lại ở đó, đầu năm 2012, một nghiên cứu được tiến hành tại Đại học Bar-Ilan ở Israel cho thấy oxytocin còn tác động đến yếu tố thời gian của một mối tình. Các nhà nghiên cứu theo dõi các cặp đã chung sống với nhau trong thời gian 6 tháng. Vào cuối thời kỳ này, xét nghiệm những người vẫn ở lại với nhau thấy có nồng độ oxytocin không giảm trong suốt nghiên cứu. Trong khi những người đã chia tay có mức độ oxytocin giảm hơn. Như vậy hoá chất này cũng có tác dụng làm cho quan hệ yêu đương bền vững hơn.
Từ những nghiên cứu trên cho phép người ta nghĩ đến một tương lai không xa, có thể được áp dụng trong thực tế. Có lẽ phái yếu sẽ yên tâm hơn khi người yêu hay chồng họ trước khi đi đâu xa nhà một mình, sẽ được bổ sung oxytocin bằng cách nào đó tế nhị và kín đáo với hy vọng chất này làm cho đàn ông không hám gái lạ.
Có lẽ đây là tin mừng với những chị em vớ phải ông chồng có tính trăng hoa. Biết đâu có ngày các cửa hàng dược phẩm sẽ bán những lọ oxytocin xinh xinh để trị những anh chàng “siêu quậy”. Hoặc biết đâu có anh tự xịt oxytocin vào mũi mình để “gia cố” thêm lòng chung thuỷ cho gia đình càng hạnh phúc hơn?
Nhưng có lẽ trên đời khó có loại “thần dược” nào loại trù hẳn ngoại tình khỏi đời sống xã hội nếu giữa vợ chồng, ngọn lửa tình yêu đã biến thành một đống tro tàn. Vì oxytocine chỉ giúp ngăn chặn ngoại tình chứ đâu có giúp nhen lại tình yêu ? Cho nên muốn diệt trừ tận gốc bệnh ngoại tình không gì bằng sử dụng liệu pháp quen thuộc xưa nay mà nhà tâm lý học nổi tiếng Dale Carnegie từng nói cách đây hơn nửa thế kỷ :”Vợ chồng phải quyến rũ nhau suốt đời”. Nếu làm được thế không cần đến "thần dược", cũng chẳng cần thuê thám tử tư theo dõi, khi đàn ông chẳng thấy ai bằng vợ mình mà léng phéng cho nó… mệt người.