Theo đó, thông thường vào thời điểm này trong năm, nước sông thường có màu nâu vàng do mang theo trầm tích từ phía thượng nguồn. Nhưng gần đây, nó đã đột ngột chuyển sang một màu rất lạ.
Hơn nữa, mực nước vào thời điểm này năm nay cũng xuống thấp bất thường, làm lộ ra nhiều bãi cát lớn ngay ở giữa sông và gây ra nhiều khó khăn cho ngư dân và nông dân.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia sự suy giảm của trầm tích cho thấy nhiều nguy cơ mới có thể gây ra nạn xói lở bờ sông và sụt lún mạnh hơn trong thời gian tới.
Nguyên nhân chính được cho là do hoạt động của các đập thủy điện lớn từ phía thượng nguồn tại Lào đã bắt đầu hoạt động từ tháng 10. Ngoài ra một nguyên nhân khách quan khác là lượng mưa năm nay ít hơn.
Thông kê, hiện có khoảng 70 triệu người dân đang sinh sống phụ thuộc vào nguồn nước sông Mekong, bao gồm đánh bắt, trồng lúa, buôn bán, giao thông và thủy lợi. Các nhà hoạt động môi trường cho rằng, các dự án phát triển năng lượng lớn như đập thủy điện Xayaburi đã góp phần làm phá vỡ hệ sinh thái của toàn vùng. Theo đó, những con đập khủng như thế này đã chặn nhiều trầm tích chảy về phía hạ lưu, khiến dòng nước trở nên trong vắt.
Ông Pravit Kanthaduang, Chi cục thủy sản Bueng Khong Long, tỉnh Bueng Kan (Thái Lan) cho biết, ít trầm tích đồng nghĩa là nguồn nước ít dinh dưỡng cho hệ sinh thái, bao gồm cả thực vật và tôm cá trên sông sinh sống.
Còn chuyên gia Chainarong Setthachau thuộc Đại học Mahasarakham, người đã nghiên cứu về sự thay đổi hệ sinh thái của sông Mekong trong suốt hai thập kỷ qua cho biết, hiện tượng ít trầm tích cũng khiến dòng chảy mạnh hơn gây xói lở và sụt lún phức tạp hơn.
Đập thủy điện Xayaburi vừa vận hành sau khi được đầu tư xây dựng tốn hơn 19,4 tỷ bạt. Tổng chi phí của toàn dự án khổng lồ này đã ngốn hết 135 tỷ bạt, tương đương 4,47 tỷ USD.
Ngư dân Daeng Pongpim ở làng Ta Mui, tỉnh Ubon Ratchathani sinh sống cách đập Xayaburi khoảng 800 km về phía hạ lưu cho biết, gia đình đã mất sinh kế do những thay đổi về môi trường khiến cá tôm không thể sinh sôi.