Nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy dường như sâu xa còn có các nguyên nhân khác khiến vị tổng thống người bản địa đầu tiên ở Bolivia phải ra đi.
Chỉ vài ngày trước khi buộc phải từ chức, ông Morales đã cho hủy một hợp đồng khai thác lithium được xem là béo bở đối với một công ty Đức. Lithium là nguyên liệu quan trọng để chế tạo pin ô tô điện, một thị trường hứa hẹn bùng nổ trong tương lai không xa.
Các dự án béo bở
Trong ngày ông Morales từ chức (10/11), một người phát ngôn của công ty khai khoáng ACI Systems Alemania (ACISA) đến từ Đức nói với báo Deutsche Welle rằng công ty này “tự tin rằng dự án lithium của chúng ta sẽ được khởi động trở lại”.
Ngày 4/11, chính phủ Bolivia hủy bỏ một dự án liên doanh với ACISA khai thác lithium tại các cánh đồng muối rộng lớn ở vùng Altiplano. Hãng thông tấn nhà nước Agencia Boliviana de Informacion (ABI) ghi nhận rằng tại thời điểm đó một chính quyền địa phương ở Altiplano đã “đề nghị chấm dứt hợp đồng” vào ngày 7/10 nhưng không đưa ra lời giải thích cho động thái này. Theo hợp đồng, 1,3 tỷ USD sẽ được đầu tư để khai thác lithium ở cánh đồng muối Salar de Uyuni lớn nhất thế giới, đồng thời xây dựng một nhà máy sản xuất pin ô tô, một nhà máy chế biến lithium hydroxide.
Chính quyền địa phương muốn giảm tỷ lệ lợi nhuận của ACISA, tăng tỷ lệ tiền thuê đất từ 3% lên 11%, theo tường thuật của hãng tin EFE.
Ngay sau khi ông Morales, một chính trị gia cánh tả, được bầu làm tổng thống Bolivia năm 2006, ông lên kế hoạch quốc hữu hóa đa số hoạt động khai mỏ của đất nước, bao gồm các công ty Glencore, Jindal Steel & Power, Anglo-Argentine Pan American Energy và South American Silver. Các công ty này khai thác nhiều loại khoáng sản trên lãnh thổ Bolivia như sắt, thiếc, kẽm, bạc, khí tự nhiên… Tuy nhiên các công ty nước ngoài vẫn được tham gia một số lĩnh vực khai khoáng mà nguyên nhân là vì chủ nhà thiếu vốn, đặc biệt là lithium.
Nhà sử học Vijay Prashad hôm thứ Tư tuần trước viết trên tờ Common Dreams rằng chính phủ ở thủ đô La Paz phải đối mặt với nhiều sức ép, bao gồm cả các thủ tục pháp lý, từ nước chủ nhà của các công ty khai mỏ đa quốc gia, ví dụ Canada, Thụy Sỹ và Ấn Độ. Bolivia buộc phải đền bù hàng trăm triệu USD vì phá bỏ hợp đồng.
Bù lại, như tờ Financial Times ghi nhận vào năm 2014, rằng kể từ khi nắm quyền, ông Morales đã giúp mở rộng quy mô nền kinh tế đất nước lên gấp ba lần, tích lũy dự trữ ngoại hối ở mức kỷ lục.
Tuy nhiên, các mỏ lithium hầu như chưa được khai thác. Thách thức với La Paz không chỉ là khai thác lithium và bán ra nước ngoài, mà còn là phát triển một ngành công nghiệp trong nước có thể chế xuất kim loại này ở dạng gia tăng giá trị, ví dụ pin thành phẩm.
Cựu phó tổng thống Alvaro García Linera, người từng mô tả lithium là “ nhiên liệu của thế giới”, hồi tháng 9 vừa qua (khi đó ông còn đương chức) thông báo kế hoạch của chính phủ trong việc “công nghiệp hóa ngành lithium”, nói rằng chính quyền ở Altiplano “sẽ không chỉ khai khoáng và điện năng, mà còn khai thác, sản xuất lithium, lithium hydroxide, cathodes và pin lithium.”
Tuy nhiên, ACISA không phải đối tác duy nhất phát triển ngành khai thác lithium ở Bolivia. Hồi tháng 2, một thỏa thuận đã được ký giữa tập đoàn Tân Cương TBEA của Trung Quốc và công ty khai thác lithium nhà nước Bolivia là Yacimientos de Litio Bolivianos (YLB) thành lập một liên doanh trị giá 2,3 tỷ USD, trong đó La Paz chiếm giữ 51% cổ phần. Một thỏa thuận tương tự cũng được ký trước đó ba tháng với ACISA. Trung Quốc hiện là thị trường xe điện lớn nhất thế giới. Hơn 1 triệu ô tô điện được tiêu thụ ở thị trường này trong năm ngoái.
Cơn khát lithium
Ô tô điện sử dụng một lượng lớn lithium. Một chiếc xe Tesla Model S công suất 70kWh cần đến 63 kg lithium cho việc chế tạo bộ pin. Đại sứ Trung Quốc tại Bolivia Lương Vũ ước tính rằng Trung Quốc cần đến 800.000 tấn lithium vào năm 2025.
Sau khi ông Morales từ chức, giá cổ phiếu của công ty ô tô điện Tesla (Mỹ) tăng từ 337,14USD lên 346,93 USD. Đến thứ Tư vừa qua, giá mỗi cổ phiếu của Tesla tăng lên mức 354,86 USD, mức cao nhất kể từ tháng 12/2018.
Bolivia nắm giữ 70% trữ lượng lithium, hầu hết ở vùng Salar de Uyuni với 21 triệu tấn hay ¼ trữ lượng toàn thế giới, theo tổ chức Thăm dò địa chất Mỹ. Ngân hàng Thế giới ước tính nhu cầu lithium thế giới sẽ tăng vọt trong những năm tới, gấp đôi vào năm 2025 so với hiện nay.
Nhà báo Wyatt Reed viết trên tờ The Grayzone hồi tháng 8 vừa qua về chuyện một cuộc chiến thông tin giả chống lại ông Morales đã được thực hiện nhiều tháng trước khi ông từ chức. Chiến dịch này, trớ trêu thay, mô tả tổng thống Bolivia như là một kẻ thù của chủ nghĩa môi trường với những câu chuyện thêu dệt rằng Bolivia chẳng làm gì để chống cháy rừng, trong khi nhiều hình ảnh cho thấy ông đã có mặt ở tâm điểm các đám cháy…
Khi lithium trở thành thứ vật liệu đáng của đáng tiền, sẽ là cơ hội hốt bạc cho những ai nắm được các cánh đồng muối trên cao nguyên giàu khoáng chất. Ông Morales, một người gốc bản địa Nam Mỹ, đã cố gắng giữ lại số của cải đó cho người dân một nước vốn từng nghèo nhất khu vực. Và việc này có thể đã khiến ông mất chức tổng thống.