Theo Chi cục Trồng trọt & BVTV Bà Rịa-Vũng Tàu, toàn tỉnh có hơn 500 ha khoai mì bị nhiễm bệnh chổi rồng (chiếm 20% tổng diện tích), cá biệt ở nhiều vùng đất cát pha, bạc màu... tỷ lệ nhiễm bệnh lên đến hơn 50% diện tích. Các giống nhiễm phổ biến là KM94, KM60, KM95 và CUK, trong đó giống KM94 có tỷ lệ nhiễm nặng nhất.
Kết quả nghiên cứu của Viện BVTV cho thấy, bệnh chổi rồng do Phytoplasma (dịch khuẩn bào) là tác nhân gây bệnh. Nguồn bệnh lây lan trên đồng ruộng thông qua hom giống và côn trùng môi giới. Đây là loại bệnh mới xuất hiện ở nước ta, nhưng rất nguy hiểm vì lây lan nhanh và chưa có thuốc chữa trị.
Cây khoai mì bị bệnh sớm thường không cho thu hoạch, cây bị bệnh muộn thường giảm 10-20% năng suất và giảm 20-30% hàm lượng tinh bột. Trước diễn biến của bệnh chổi rồng và trong điều kiện cho phép hiện nay, các nhà chuyên môn khuyến cáo, người trồng khoai mì hạn chế sử dụng giống KM94. Diện tích trồng mì bị bệnh cần chuyển đổi sang trồng các loại cây khác nhằm cải tạo đất, hạn chế mầm bệnh từ vụ trước.
Trong điều kiện không thể chuyển đổi cây trồng khác, cần phải cày lật đất, gom cây khoai mì tàn dư thực vật đốt tiêu hủy. Không được lấy hom giống từ các vườn đã bị bệnh từ vụ trước để làm giống cho vụ sau, đặc biệt chú ý phòng trừ các loại côn trùng chích hút- đối tượng có khả năng mang mầm bệnh truyền bệnh chổi rồng trên cây khoai mì. Ngoài ra, cần trồng xen canh các cây họ đậu, tăng cường bón phân hữu cơ, phân vi sinh để cải tạo đất, nâng cao sức đề kháng cho cây mì.
Trao đổi với NNVN, ông Phạm Thanh Sơn, Trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục Trồng trọt & BVTV BR-VT cho biết: “Điều lo lắng nhất là việc xác định các vật chủ truyền bệnh thuộc nhóm các côn trùng chích hút (bọ phấn, nhện đỏ, rệp sáp...). Nhóm này còn ở diện “nghi vấn” và chưa có một nghiên cứu chính thức công bố cụ thể về cơ chế truyền bệnh. Vì thế việc nghiên cứu các giải pháp phòng bệnh còn gặp rất nhiều khó khăn”. Theo ông Sơn, việc tìm kiếm những vùng trồng khoai mì được cho là sạch bệnh để khuyến cáo người dân chọn làm hom giống cũng là vấn đề nan giải".
Trong kế hoạch sắp tới, Chi cục TT&BVTV sẽ xây dựng các mô hình trình diễn trên các giống khoai mì KM140, KM937-26. Đây là những giống mì cho năng suất và hàm lượng tinh bột cao, ít mẫn cảm với bệnh chổi rồng. Hơn nữa, việc xây dựng mô hình cũng nhằm mục đích hướng dẫn người trồng khoai mì áp dụng kỹ thuật chăm sóc tổng hợp mang lại hiệu quả cao.
Không chỉ BR-VT, trên nhiều diện tích khoai mì ở Ðồng Nai cũng bị bệnh chổi rồng gây hại phổ biến và lây lan nhanh ra hàng trăm ha. Trước thực trạng này, Viện BVTV cũng đã tiến hành khảo sát những “điểm nóng” trồng mì bị bệnh tại Đồng Nai. Kết quả cho thấy một số triệu chứng bệnh như: Cây khoai mì bị bệnh ở giai đoạn trước thu hoạch, mọc nhiều chồi ngọn và chồi thân. Cây bị nặng thì lá nhỏ và thô cứng, các đốt thân ngắn lại, trên thân và củ phần tiếp giáp với vỏ chuyển màu thâm đen, chồi bị chết khô. Cây khoai mì bị bệnh sớm thường không cho thu hoạch, cây bị bệnh muộn thường giảm 10-20% năng suất và giảm 20-30% hàm lượng tinh bột. Giống khoai mì KM94 bị bệnh nặng nhất, các giống mì khác và mì địa phương nhiễm bệnh nhẹ hơn hoặc không phát hiện triệu chứng bệnh.
Do loại bệnh này chưa có thuốc để phòng trị hiệu quả, nên các nhà khoa học khuyến cáo bà con nông dân cần chú ý các biện pháp sau:
- Tiến hành vệ sinh đồng ruộng, tiêu hủy triệt để những cây mì bị bệnh, chỉ sử dụng những giống mì từ vùng chưa bị bệnh và cây sạch bệnh để làm giống...
- Từng bước thay thế giống KM 94- giống nhiễm nhiều nhất bệnh này, không cho vận chuyển mì giống từ vùng bệnh sang vùng khác. Việc sử dụng hom giống từ cây bệnh và vận chuyển hom giống bị bệnh từ vùng này qua vùng khác là một trong những nguyên nhân làm cho bệnh gây hại trên diện rộng ở các vùng trồng mì khác nhau.
- Việc nghiên cứu xác định côn trùng môi giới cần được tiến hành khẩn trương để làm cơ sở cho xây dựng giải pháp khoa học phòng trừ bệnh và hạn chế lây lan của bệnh trên đồng ruộng.