Cùng với những loại hoa truyền thống như: mai, đào, hồng, cúc… thì hoa phong lan đang ngày càng được nhiều người ưa thích, nhất là Dendrobium (còn gọi là đăng lan hay hoàng lan) là giống dễ tính, dễ chăm sóc, hoa lâu tàn. Tuy nhiên hầu hết trong số họ thường chỉ biết mua những chậu lan đã có sẵn hoa về chưng chơi chứ không biết làm cách làm sao cho cây lan tiếp tục ra hoa mới, nhất là vào dịp Tết nguyên đán, mặc dù việc làm này cũng khá đơn giản.
Trong giống Dendrobium trừ một vài lòai thường cho bông vào những thời điểm cố định như D. burana gold, D. kasem gold, D. thongchai goldD. burana jade, D. burana emerald, D. burana green…, còn đa số các lòai cho bông rải rác quanh năm. Với những loài này có thể điều khiển cho chúng ra hoa vào dịp Tết.
Cách làm như sau: Vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 âm lịch chọn những cây lan trưởng thành, đã ra hết lá non đưa vào một khu vực riêng, sau đó dùng phân bón lá loại có tỷ lệ NPK là 10-30-20, (nên dùng phân PITER của Mỹ) phun 6-7 ngày/ một lần kích cho cây lan ra hoa. Sau 3-4 lần phun thì nhánh lan bắt đầu búng ra vòi hoa (lớn cỡ hạt lúa). Vài ngày sau vòi hoa sẽ dài 2-3 cm thì thay bằng lọai phân bón lá có tỷ lệ NPK là 15-20-30 (cũng phun 6-7 ngày/ lần) để kích thích cho vòi hoa phát triển dài, sau này mầu sắc hoa sẽ sáng đẹp, rực rỡ và lâu tàn, ít bị bệnh thối hoa. Sau khi thay đổi phân bón 45-50 ngày (khỏang đầu tháng 12 âm lịch) thì cành hoa đạt tiêu chuẩn “xuất vườn” (mỗi cành nở 1-2 hoa), sau đó những hoa phía trên tiếp tục nở, đến Tết Nguyên Đán thì cành hoa đã nở gần hết, nhìn rất đẹp.
Thường thì cứ sau mỗi đợt ra lá đăng lan lại nghỉ ra lá một thời gian (trên cây không còn lá non) nếu giai đọan này xuất hiện sớm trước cuối tháng 9 đầu tháng 10 âm lịch (thời điểm sử lý phun phân “kích” cho cây lan ra bông) thì có thể kìm giữ cây lan luôn ở tình trạng không có lá non này bằng cách dùng phân bón lá NPK loại 20-20-20 phun 6-7 ngày/ một lần, tới thời điểm sử lý thì thay phân 20-20-20 bằng phân 10-30-20 như đã nói ở trên.