Vừa qua, tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật Đông Nai sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã tặng giải Ba cho chế phẩm sinh học tạo trầm cho ông Khoan.
Theo ông Khoan, loại chế phẩm trên không có gì “kỳ diệu” vì tất cả các loại chế phẩm này được làm từ những nguyên liệu rất bình thường và có sẵn tại địa phương như cám ngô, mật ong, đường mật, tinh dầu dừa… Bằng công thức riêng của mình, ông Khoan đã trộn lẫn những thứ bình dị ấy để thành một chế phẩm mà khi tiêm trực tiếp lên vết thương của cây dó bầu (đã được tạo sẵn) thì có thể kích thích để tạo thành trầm hương, một sản phẩm có giá trị cao.
Ông Khoan còn cho biết, làm trầm hương nhân tạo được thực hiện bằng cách làm cho cây dó bầu bị thương như khoan sâu vào thân cây, lấy mảnh thép găm sâu vào thân cây và tiêm vào đó một hỗn hợp hóa học kích thích tạo trầm. Trong khoảng từ 4 năm trở lên, khi nước mưa thấm vào hòa với nhựa của cây, từ đó sẽ kết trầm, với phương pháp đơn giản này thì nhiều người có thể làm được, tuy nhiên, loại chế phẩm do ông Khoan tạo ra thì vẫn là một “bí quyết”. Hiện chế phẩm của ông đang gửi hồ sơ lên Cục Sở hữu trí tuệ để được chứng nhận quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Hiện nay, gia đình ông có trang trại trồng dó bầu rộng hơn 8 ha. Ông Khoan cho biết, ban đầu, tôi cũng là người thất bại nặng nề. Vườn dó bầu của ông bị sâu bệnh và chết hàng loạt, chiếm đến 90% diện tích. Nguyên nhân do cây bị bệnh, bị nấm và cũng do hoạt tính mạnh của H2SO4 khi dùng để kích thích tạo trầm… Có lúc ông đã bỏ đi 4-5 tháng không chăm nom vườn cây thường xuyên như trước vì coi như đã thất bại hoàn toàn. Nhưng suy nghĩ mãi không biết phải trồng cây gì có giá trị kinh tế cao hơn cây dó bầu, nên sau đó ông đã quyết tâm làm lại từ đầu. Nhờ chịu khó học hỏi từ kinh nghiệm của dân gian, cộng với những đóng góp ý tưởng của các con ông đang theo học ngành sinh học… nên chế phẩm của ông khi làm ra được khắc phục dần nhược điểm và từng bước đi đến hoàn thiện.
Dó bầu là loại cây có giá trị kinh tế rất cao, dễ trồng, có thể trồng xen với đậu, cà phê và một số cây trồng khác. Theo tính toán của ông Khoan, một cây mỗi năm cho thu nhập từ 2-3 triệu đồng, với 8 ha trồng dó bầu (khoảng 17.000 cây), mỗi năm thu hoạch không dưới 30 tỷ đồng. Loại cây này cũng tốn ít công chăm bón và ít sâu bệnh, chỉ có chi phí đầu tư ban đầu hơi cao và từ khoảng 4-5 năm trở đi, cây mới cho thu nhập khá.
Để phát triển nghề trồng dó bầu với chế phẩm sinh học đặc biệt do mình tạo ra, hiện ông Khoan vẫn tiếp tục mở rộng thêm diện tích và tìm những bạn hàng uy tín để thuận lợi cho đầu ra sản phẩm. Được biết, Trầm hương được nhiều quốc gia trên thế giới chọn làm nguyên liệu cho công nghệ chế biến nước hoa, mỹ phẩm và dược liệu với giá thành rất cao. (Giá trầm hương loại 1 trên thế giới từ 6.000 USD - 6.500 USD/kg, giá tinh dầu trầm khoảng 9.000 USD/1lít. )
Ông Khoan cũng cho biết thêm, hiện nay đã có nhiều công ty tại Thái Lan, Ma-lai-si-a và một số nước khác đã tìm đến với sản phẩm trầm hương của ông để đặt hàng. Tuy nhiên điều làm cho ông băn khoăn nhất hiện nay là hồ sơ để công nhận quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của ông đã được gửi đi đã lâu, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận. Ông mong muốn được cấp bằng chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ cho sáng chế của mình để đảm bảo quyền lợi và tạo điều kiện để ông mạnh dạn mở rộng giao thương với nhiều bạn hàng trong nước và trên thế giới./. |