Chiều 17/10, tại trụ sở Bộ KH&CN ở Hà Nội đã diễn ra buổi lấy ý kiến đầu tiên cho Dự thảo Nghị định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN. Tham dự có đại diện của nhiều viện nghiên cứu, trường đại học, và các sở KH&CN địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, Nghị định được soạn thảo dựa trên Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KH&CN và Luật KH&CN sửa đổi, đồng thời có tham khảo ý kiến của nhiều nhà khoa học và nhà quản lý, nhằm đưa phương thức đầu tư và cơ chế tài chính trong KH&CN tiệm cận thông lệ quốc tế.
Ông cho rằng, bấy lâu nay giới khoa học và giới quản lý vẫn phiền trách lẫn nhau: giới khoa học thì than đầu tư dàn trải, manh mún, thủ tục tài chính rườm rà, mất thời gian; trong khi giới quản lý cho rằng chất lượng nghiên cứu như hiện nay thì chưa thể đòi hỏi đầu tư nhiều hơn. Cần phải phá cái vòng luẩn quẩn này ở chỗ nào đó và quan điểm của Bộ KH&CN là giới quản lý phải đi trước một bước, tạo mọi điều kiện cho giới khoa học, đầu tư tới ngưỡng cho họ, Bộ trưởng Nguyễn Quân, cũng là trưởng ban soạn thảo Nghị định, nói.
Nếu dự thảo được thông qua, các doanh nghiệp sẽ phải trích một số phần trăm nhất định từ thu nhập trước thuế để lập quỹ phát triển KH&CN của riêng mình. Trước đây, việc lập quỹ phát triển KH&CN ở doanh nghiệp dựa trên cơ sở tự nguyện, nên đầu tư của khối doanh nghiệp cho KH&CN nhìn chung còn thấp, không phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới là đầu tư cho KH&CN từ khối doanh nghiệp luôn cao hơn từ ngân sách nhà nước, chẳng hạn như các doanh nghiệp ở Hàn Quốc đầu tư cho KH&CN nhiều gấp 10 lần đầu tư từ ngân sách nhà nước, ở Trung Quốc cũng gấp ba lần, Bộ trưởng nói.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng có các điều khoản bảo đảm việc thành lập và duy trì các quỹ phát triển KH&CN ở địa phương. Bộ trưởng cho biết, hiện mới có 30 tỉnh lập quỹ phát triển KH&CN do lo ngại chỉ được cấp vốn một lần. Theo Dự thảo Nghị định, ngoài nguồn vốn cấp một lần ban đầu, quỹ sẽ được bổ sung hằng năm từ phân bổ ngân sách cho nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh.
Đặc biệt, cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN về cơ bản sẽ chuyển sang khoán chi một phần hoặc khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, tùy theo tính chất nhiệm vụ KH&CN, bảo đảm đề tài được duyệt lúc nào kinh phí được rót ngay lúc đó, việc quyết toán cũng được thực hiện một lần theo thời hạn hợp đồng chứ không phải theo năm tài chính
Hầu hết các đại biểu có mặt đều nhận xét đây là một dự thảo được chuẩn bị công phu, giải tỏa phần lớn những băn khoăn, bức xúc của giới khoa học về phương thức đầu tư và cơ chế tài chính.
Ông Võ Đại Lược, Trung tâm Kinh tế chấu Á – Thái Bình Dường, cho rằng, Dự thảo Nghị định đã bao quát hầu hết các vấn đề liên quan đến đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN; trong khi ông Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, nói “chờ đợi Nghị định này đã từ lâu” và đề nghị “để ĐH Quốc gia Hà Nội được thí điểm triển khai Nghị định trước khi Nghị định chính thức được thông qua”.
Ngoài ra, các đại biểu cũng nêu một số thắc mắc, chủ yếu liên quan đến quy mô quỹ phát triển KH&CN ở doanh nghiệp; nội dung các chứng từ cần có khi quyết toán để bảo đảm cơ chế khoán không bị lạm dụng; tiêu chí của nhiệm vụ khoa học đặc biệt; tiêu chí các đơn vị nghiên cứu được ưu tiên đầu tư…
Nghị định tiếp tục được lấy ý kiến tại TP Hồ Chí Minh trong ngày 18/10, và xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp trước khi trình Chính phủ. Bên cạnh Nghị định này, Bộ KH&CN đang soạn thảo bốn nghị định khác liên quan đến chính sách ưu đãi, trọng dụng cán bộ khoa học; Quỹ phát triển KH&CN Quốc gia; thống kê KH&CN; và hướng dẫn chung về Luật KH&CN sửa đổi.