Với đề tài nghiên cứu “Mô hình xe nâng hàng chuyên dụng trong phân xưởng”, hai sinh viên Đặng Đình Nam và Nguyễn Duy Huynh đã vượt qua 451 đề tài khác để đoạt giải đặc biệt cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc” lần thứ chín (năm 2012 – 2013).
Chia sẻ niềm vui chiến thắng, cả Nam và Huynh đều cho biết rất bất ngờ khi được trao giải đặc biệt. “Bọn em tham gia cuộc thi với mục đích học hỏi thôi, không ngờ lại được giải cao như vậy”, Nam hồ hởi nói.
Nghiên cứu trong… nhà trọ
Nam và Huynh cùng sinh năm 1994, hiện là sinh viên đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội. Mỗi dịp cuối tuần, hai chàng trai trẻ lại rủ nhau bắt xe buýt về thăm gia đình ở huyện Yên Phong, Bắc Ninh. Chặng đường dài hơn 30 cây số từ Hà Nội về chạy qua khu vực sản xuất của hai hãng điện thoại nổi tiếng Nokia và Samsung. Sau nhiều lần chứng kiến các xe nâng hàng ở hai khu vực này hoạt động với trọng tải lớn, di chuyển khá chậm chạp, Nam và Huynh bảo nhau: “Sao lại tốn nhiều diện tích thế nhỉ?” Không kìm được tò mò, hai cậu cùng bắt tay làm thử mô hình xe nâng hàng sử dụng trong phân xưởng, với mong muốn tạo nên loại xe linh động, có thể di chuyển bằng cả bốn bánh trong không gian hẹp. Để đáp ứng tiêu chuẩn đó, các bánh của loại xe này phải là loại đa hướng Mecanum, giúp xe tiến, lùi, sang trái, sang phải, tiến chéo và lùi chéo. Đó mới là điều kiện cần, còn đủ là phải làm sao kết nối với các mạch điện để xe hoạt động được. Với kiến thức cơ bản của sinh viên vừa học qua năm nhất khoa cơ điện, Nam và Huynh thực sự phải đánh vật với năm bộ mạch.
Trong căn nhà trọ của Nam, hai cậu lăn ra thử nối các loại mạch. Có lúc bí quá, định đến trường hỏi thầy giáo nhưng lại sợ… thầy mắng, nên thôi. Nam kể: “Có nhiều ngày, bọn em thử liên tục từ 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm, vẫn không được”. Cậu lớp trưởng cao lênh khênh này thể hiện là một người nhiệt tình và hướng ngoại. Huynh, khác với bạn, trầm tính hơn, nói chêm vào: “Kể ra thử mãi không thành cũng chán, nhưng bọn em quyết tâm phải được mới thôi. Vất vả nhưng mà ham”. Thế là lại bổ đi tìm tài liệu trên mạng và xem lại sách giáo khoa.
Sau hơn ba tháng mày mò, cuối cùng mô hình xe nâng hàng cũng hoàn thiện. Mỗi bánh xe được cấu tạo bởi các con lăn nhỏ, trục lắp nghiêng 45 độ so với trục chính, giúp tạo nhiều chuyển động phức hợp theo phương pháp cộng véctơ. Loại xe này đặc biệt thích hợp với không gian nhỏ hẹp và tiết kiệm thời gian. “Em hài lòng nhất là xe có thể đi ngang và xoay dọc, tiết kiệm được nhiều diện tích, vì các xe thông thường hiện nay phải lùi từng chút một”, Nam chia sẻ.
“Phải thử, nếu không sau này lại tiếc”
Khi được hỏi kinh phí ở đâu ra, Nam cho biết gia đình hỗ trợ, “chứ sinh viên bọn em làm
gì có nhiều tiền”. Cả hai đều được bố mẹ khuyến khích, động viên và đều chung suy nghĩ: “Phải thử, nếu không sau này lại tiếc”.
Tuy trước đây không thân nhau, hai cậu sinh viên này có một điểm chung rất thú vị, là có hai ông bố lăn lộn với nghề sửa xe và máy nổ. Huynh kể: “Gia đình chủ yếu làm nghề nông, nhưng bố em còn lái cả xe tải, xe công nông. Bố cũng sửa chữa nhiều, nên từ bé em hay quanh quẩn bên cạnh để nghịch”. Dần dần, Huynh thấy thích thú và tìm hiểu sâu hơn, rồi quyết định theo học công nghệ. Nam cũng nói về bố đầy vẻ tự hào: “Bố em chẳng học qua trường lớp nào nhưng biết sửa chữa nhiều máy móc. Em hay lân la cạnh bố từ khi còn nhỏ, chủ yếu vì tò mò và rồi nhận ra công nghệ rất cuốn hút”. Còn hai bà mẹ, dù bận việc đồng áng thỉnh thoảng cũng đảo qua để xem công trình của hai cậu tiến triển đến đâu. “Kết quả của bọn em có được thực sự là nhờ sự quan tâm, động viên của cả gia đình và thầy cô”, Huynh cho biết.
Cầm điều khiển cho xe chạy qua chạy lại, Nam thuyết minh thêm: để đưa mô hình xe vào thực tế, cần phải điều chỉnh hai bộ phận quan trọng. Một là xe phải chạy bằng xăng hoặc dầu diesel (mô hình hiện tại đang chạy bằng ắcquy), và hai là trục nâng phải dùng thuỷ lực. Với mô hình bé như vậy, hiện mỗi bánh xe chịu được 15kg, tổng tải trọng là 60kg. “Biết công việc không đơn giản, nhưng bọn em tin mình sẽ làm được. Bọn em còn mấy năm học phía trước mà” – Nam và Huynh cùng nói. Bên cạnh xe nâng hàng, cả hai còn tính đến khả năng áp dụng loại bánh Mecanum dùng cho xe lăn, để người khuyết tật sử dụng thuận tiện hơn.
Ngày thứ bảy, chỉ phải học buổi sáng nên dường như sinh viên hối hả hơn. Nhìn ra phía sân trường, Nam và Huynh không giấu được hồi hộp vì sắp tới mô hình xe nâng hàng của các em sẽ được đưa tới cuộc thi “Sáng tạo châu Á” tổ chức tại Indonesia. “Xe chắc chắn được đi, nhưng người lại chưa chắc. Bọn em đang chờ tin từ sở khoa học của tỉnh”, Nam nói.