Anh Trần Thanh Tuấn (36 tuổi, học chưa hết lớp 8) đã mày mò chế tạo chiếc máy phun thuốc tự động, điều khiển từ xa bằng remote. Với chiếc máy này, nông dân không cần mang bình phun thuốc, lội xuống ruộng vất vả như trước.
Cơ duyên từ nghề sửa điện tử
Đã qua nhiều thế hệ gia đình anh Tuấn (ở ấp Trung Bình Nhì, xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, An Giang) bám với nghề trồng lúa sinh sống. Vì thế mọi công việc đồng áng như phun thuốc, rải phân, cày bừa,… anh Tuấn đều thấm thía cảnh cơ cực của cái nghề “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” này.
Đặc biệt là việc phun thuốc cho ruộng lúa, nhất là vào những đợt sâu rầy tấn công. Theo kinh nghiệm của anh Tuấn, chậm trễ 1,2 ngày không kịp phun thuốc là thua trắng tay, chưa tính đến nổi vất vả mang một bình phun thuốc trên vai nặng hơn 30kg, lội giữa trời nắng chang chang,….
Anh Tuấn cho biết: “Gia đình nghèo, học mới lớp 8 tôi đã xin nghỉ học để giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Sau khi nghỉ học tôi đi học sửa điện tử được 2 tháng rồi đi làm thêm cho một cửa hàng sửa điện tử ở TP Long Xuyên để mở mang thêm kiến thức. Sau khi thấy tay nghề đã vững, đến năm 2010 tôi về nhà mở tiệm và trong một lần xem chương trình thi robot trên truyền hình, tôi nhớ đến công việc phun thuốc vất vả, tốn nhiều thời gian nên tôi đã bắt đầu nghiên cứu chế chiếc máy phun thuốc tự động này”.
Khi lao vào sáng chế, anh Tuấn gặp không ít khó khăn từ việc phác thảo hình dáng chiếc máy đến việc tìm mua các thiết bị và tốn công nhất là việc lắp ráp các bộ phận, thiết bị vào thân máy,… Ở công đoạn này, anh Tuấn không nhớ mình đã tháo, gỡ và thay đổi linh kiện bao nhiều lần, tốn hàng chục triệu đồng nhưng cuối cùng “đứa con tinh thần” của anh Tuấn cũng thành hình, tuy nhiên khi đưa máy ra đồng “đi” được vài bước thì bị lật, chết mày…
Không nản lòng, anh Tuấn tiếp tục đổ mồ hôi nghiên cứu lại động cơ máy, bình acquy, bộ phận di chuyển, cần phun,… rồi lắp ráp, chạy thử nghiệm và dần dần máy hoạt động ổn định, di chuyển êm và máy bắt đầu “nghe lời” anh Tuấn trong phạm vi 100m mỗi khi anh Tuấn muốn máy qua cua, tăng tốc, tăng độ cao thấp của cần phun,…
Anh Tuấn cho biết: “Đau đầu nhất là máy chạy vài mét là bị lật, sau nhiều ngày nghiên cứu thì tôi phát hiện nguyên nhân là bánh sên của máy nhỏ, diện tích bám đất ít, dễ bị lún làm máy lật ngã. Vả lại đa phần đồng ruộng ở ĐBSCL không được bằng phẳng, máy đưa xuống sẽ gặp sự cố ngay nên từ đó tôi thay hệ thống chạy bằng bánh xích, diện tích bánh lớn làm máy khá vững vàng nên máy chạy êm không còn bị lật nữa.”
Sau khi chiếc máy hoạt động như anh muốn, đến vụ lúa hè thu vừa rồi, anh Tuấn mang máy ra “trình làng” ngay trên cánh đồng ruộng của mình. Kết quả được nông dân trong xã và ngành chức năng của tỉnh đánh giá cao về khả năng làm việc cũng như hiệu quả kinh tế khi sử dụng chiếc máy phun thuốc của anh Tuấn thay cho việc phun thuốc thủ công trước đây gấp nhiều lần.
Cụ thể, để phun thuốc cho 1 ha lúa (khoảng 10.000m2 ) nếu sử dụng bình phun thuốc loại 25 lít cần phải 3 người mang bình phun thuốc trong hai giờ mới xong. Tuy nhiên khi sử dụng máy phun thuốc của anh Tuấn chỉ cần một người đứng trên bờ cầm remote điều khiển thì trong 1 giờ máy đã hoàn thành nhiệm vụ và chỉ tốn từ 0,5-0,8 lít xăng cho động cơ máy 2 thì.
Ông Ngô Văn Sáu – một lão nông có thâm niên làm ruộng ở xã Vĩnh Trạch cho biết: “Chiếc máy phun thuốc tự động của cháu Tuấn rất hữu ích cho bà con nông dân, máy nhỏ gọn, chỉ nặng khoảng 80kg, thuận tiện trong việc di chuyển. Đặc biệt là giảm chi phí đáng kể vì bình quân một vụ lúa có gần 10 lần phun thuốc, nếu thuê nhân công phun thuốc phải tốn từ 1.300.000 - 1.400.000 đồng/ha, trong khi đó sử dụng chiếc máy này chỉ từ 600.000 - 700.000 đồng/ha.
Hướng đến phục vụ cho cánh đồng mẫu lớn
Từ khi chiếc máy phun thuốc trừ sâu tự động của anh Tuấn ra đời đã “giải phóng” cho người nông dân thoát cảnh nặng nhọc mang bình nước thuốc nặng hơn 30kg, lội xuống đồng ruộng phun thuốc. Ngoài ra, nhiều nông dân phấn khởi khi sử dụng chiếc máy này đã giúp nông dân không phải “sống chung” với các loại thuốc bảo vệ thực vật cực độc.
Nông dân Nguyễn Văn Bình - cùng xã với anh Tuấn chia sẻ: “Nhà chuyên môn khuyến cáo bà con nông dân phải keo kính, khẩu trang khi phun thuốc nhưng vì không quen với những dụng cụ đó nên đa số bà con vẫn để “mặt không, mắt trống” phun thuốc. Và thực tế không ít trường hợp bị ngất trên đồng ruộng xảy ra mà nguyên nhân chính là do nông dân trực tiếp hít khí thuốc, cộng với sức khoẻ mỏi mệt khi mang bình phun thuốc di chuyển trên ruộng… Bởi vậy, nếu có chiếc máy phun thuốc tự đồng này thì bà con nông dân mừng lắm, vừa bảo đảm sức khoẻ, vừa giảm chi phí sản xuất”.
Theo quan sát của PV Dân trí, chiếc máy phun thuốc của anh Tuấn gọn nhẹ khi đem ra đồng có thể vận chuyển bằng xe máy. Tới nơi chỉ cần đề máy, hệ thống bơm nước vào bình sẽ hoạt động. Sau đó, nông dân cho thuốc vào bình, bấm nút bộ phận trộn thuốc đặt ở đáy bình sẽ làm việc và chỉ ngưng khi máy ngừng phun thuốc.
Hiện nay, ngoài việc phục vụ cho cánh đồng nhà, anh Tuấn còn nhận phun thuốc cho người dân trong xã với giá 8.000 đồng/1 bình 50 lít, trong khi đó, giá thê hiện tại 1 bình 25 lít đã 15.000 đồng. Tiếng lành đồn xa, bà con thuê mướn nhiều, anh Tuấn và chiếc robot phun thuốc độc nhất của anh vất vả làm việc suốt ngày nhưng vẫn không giải quyết hết “đơn thư” thuê phun thuốc của bà con nông dân.
Nhiều nông dân nhận xét, ưu điểm lớn nhất của chiếc máy phun thuốc điều khiển từ xa của anh Tuấn là giảm chi phí nhân công và thời gian đáng kể; máy phun thuốc trên diện rộng và đều. Đặc biệt, là “cái chân” của máy nhỏ gọn không làm lúa gãy nhánh và giúp nông dân né được khí thuốc thực vật.
Sau khi “đứa con” đầu tiên thành hình ưng ý, anh Tuấn đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế độc quyền và đã được cơ quan chức năng bảo hộ chiếc máy phun thuốc điều khiển từ xa của anh Tuấn. Được biết, chiếc máy đầu tiên này đã được một công ty mua với giá 24 triệu đồng về phục vụ cho cánh đồng mẫu lớn.
Anh Tuấn cho biết, hiện tại giá chiếc máy vẫn còn cao nên anh sẽ tiếp tục nghiên cứu để cho ra những cái máy khác với công suất như ban đầu nhưng giá thành thấp hơn để bà con nông dân có cơ hội tiếp cận. Ngoài ra, anh Tuấn nhận định, cánh đồng mẫu lớn đang “lớn” dần nên anh sẽ chế tạo ra những chiếc máy có công suất lớn hơn (ít nhất trong 1 giờ máy sẽ phun thuốc được 2 ha) để phục vụ cho cánh đồng mẫu lớn.