QTV - Thời gian qua, các địa phương của huyện Đông Triều đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Trong đó, mô hình trồng dưa leo tại thôn La Dương, xã Hưng Đạo là một trong những mô hình tiêu biểu, giúp người nông dân ở đây phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Tiêu biểu phải kể đến mô hình trồng dưa leo của gia đình anh Nguyễn Đình Duyệt. Trước đây, với diện tích hơn 8 sào ruộng, gia đình anh cấy 2 vụ lúa nhưng thấy hiệu quả không cao nên anh đã quyết định chuyển đổi sang trồng dưa leo. Mỗi năm gia đình anh gieo cấy 1 vụ lúa và trồng 2 vụ dưa. Anh Duyệt phấn khởi cho biết: “ Nhà tôi trồng cây dưa leo đã từ nhiều năm nay. Vào thời điểm thu hoạch, mỗi ngày gia đình tôi thu từ 50 kg đến 1 tạ dưa chuột/ sào, đầu mùa bán với giá 10.000 đồng/kg. Trung bình mỗi năm cho thu hoạch gần 100 triệu đồng. Chính từ nguồn thu nhập của cây dưa leo đã giúp gia đình tôi có điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”.
Ban đầu, chỉ có vài hộ trong thôn chuyển đổi từ trồng lúa sang dưa leo. Nhưng vài năm gần đây, do nhận thấy cây dưa leo cho thu nhập cao nên đến nay, thôn La Dương đã có 40 hộ trồng theo hình thức này. Theo kinh nghiệm của các hộ dân nơi đây, dưa leo là loại cây trồng rất thích hợp với đồng đất, tập quán canh tác của người dân địa phương, chi phí đầu tư thấp và đưa lại nguồn thu nhập cao. Ban đầu người dân đầu tư khoảng gần 4 triệu đồng/ sào để mua cây dóc làm giàn cho cây dưa leo. Nhưng số dóc đó có thể dùng lại để trồng từ 8 – 10 vụ dưa sau. Còn tiền mua giống giống và phân bón cũng không tốn kém, chủ yếu là người dân phải bỏ công chăm sóc.
Cũng theo nhận định của người dân nơi đây, dưa leo là loại dễ trồng, thời vụ ngắn, từ ngày xuống giống đến khi thu hoạch chỉ hơn 1 tháng. Việc chăm sóc cũng khá đơn giản, trước khi trồng bón lót bằng phân chuồng, sau khi xuống giống từ 10 - 15 ngày thì bón thêm lân, đạm. Trong quá trình chăm sóc nông dân chỉ cần thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh để có biện pháp phòng trị kịp thời đảm bảo hiệu quả năng suất.
Có thể khẳng định rằng, mô hình trồng dưa leo của thôn La Dương cho hiệu quả kinh tế rất cao. Bình quân mỗi sào cũng cho thu nhập từ 5 đến 6 triệu đồng và gấp 5 lần so với cấy lúa. Dưa cũng là loại quả dễ tiêu thụ. Vào thời điểm thu hoạch, nhiều tiểu thương ở Hòn Gai, Cẩm Phả, TP Hải Phòng đã về đây thu mua tấp nập. Có những hôm, bà con nông dân trong thôn đã bán ra gần 4 tấn quả với giá dao động từ 5.000 đến 12.000 đồng/kg. Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ cấy lúa sang trồng dưa leo đã góp phần giúp người nông dân tăng thu nhập. Ngoài ra, cây dưa leo cũng được xã Hưng Đạo chọn đăng ký sản phẩm trong chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm nông nghiệp đặc trưng”.
Đồng chí Vương Văn Thuần - Bí thư Đảng ủy xã Hưng Đạo, huyện Đông Triều cho biết: "Trước đây, ở thôn La Dương chỉ có từ 4-5 ha đất trồng dưa. Nhưng từ khi triển khai chương trình xây dựng Nông thôn mới, được sự khuyến khích phát triển của địa phương thì nhân dân đã mở rộng diện tích lên đến trên 13ha. Trung bình cho thu hoạch từ trên 150 triệu đồng/ ha/ vụ/. Hiệu quả mà cây dưa leo mang lại đã đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương, góp phần tăng năng suất cây trồng, tăng thu nhập cho người nông dân trên một đơn vị diện tích… Đây cũng là mô hình điển hình cho việc xây dựng cánh đồng mẫu, cánh đồng sản xuất tập trung của địa phương. Tới đây, địa phương sẽ xây dựng kế hoạch, đề xuất đăng ký với huyện để xây dựng thương hiệu riêng cho cánh đồng dưa leo ở thôn La Dương để sản xuất theo hướng an toàn và đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng".
Với việc chuyển đổi cây trồng đúng hướng, tin rằng đây sẽ là điều kiện để bà con nông dân của xã Hưng Đạo và các địa phương trong huyện Đông Triều tiếp tục nhân rộng mô hình và mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện, môi trường canh tác, góp phần tạo thêm công ăn việc làm và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.