Mặc dù hiện nay có rất nhiều cây, con giống để đưa vào phát triển kinh tế hộ gia đình nhưng để tìm ra được mô hình trồng cây gì, nuôi con gì mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với điều kiện từng gia đình là một bài toán khó tìm lời giải đối với những người nông dân trên địa bàn huyện Bát Xát. Bài toán ấy đến với anh Hoàng Văn Tuấn, sinh năm 1984 tại thôn An San, xã Cốc San, huyện Bát Xát là hoàn toàn khá bất ngờ.
Sau bao đêm trăn trở nên nuôi con gì mà mang lại hiệu quả kinh tế cao mà lại phù hợp với điều kiện gia đình khi không có nhiều công lao động. Tháng 8 năm 2012, anh về Vĩnh Phúc chơi tình cờ phát hiện ra nhà láng giềng của người thân có nuôi con Dúi sinh sản, anh Tuấn liền sang chơi nhân tiện hỏi thăm cách nuôi và chăm sóc Dúi như thế nào. Qua tìm hiểu, anh cảm thấy rất thích và quyết tâm phải mua bằng được Dúi con về Lào Cai để nuôi. Với số tiền tích góp được, anh gấp rút xây chuồng trại và mua 20 con Dúi giống với số tiền 24 triệu đồng. Điều mà mình mong muốn bấy lâu đã thành hiện thực nhưng chưa yên tâm, anh Tuấn xin ông chủ trang trại nuôi Dúi cho anh ở lại thêm 1 tuần nữa để học hỏi cách cho Dúi ăn, cách cho Dúi giao phối và chăm sóc Dúi con mới sinh. Sau khi trở về nhà, anh đặt ra cho mình mục tiêu là phải làm sao để thay đổi hoàn cảnh, thay đổi số phận, vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình. Chính từ suy nghĩ đó đã thôi thúc anh nêu cao ý chí quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Điều đáng mừng là sau khi thả nuôi, Dúi con sinh trưởng và phát triển rất tốt, không mắc bệnh, chỉ trong thời gian ngắn thả nuôi Dúi, mỗi con đạt trọng lượng trên 1,5 kg và bắt đầu cho giao phối. Khi giao phối thành công, chỉ 50 ngày sau lứa Dúi con đầu tiên đã ra đời. Mỗi năm, đàn Dúi của anh Tuấn sinh sản 4 lứa, mỗi con Dúi mẹ sinh mỗi lứa từ 3-5 con. Mỗi con non từ khi sinh ra khoảng 1-2 tháng là có thể đem bán làm con giống. Những con Dúi thương phẩm sau 5-6 tháng có thể đạt trọng lượng trên 1,5kg. Nguồn thức ăn của Dúi rất dễ kiếm thường là tre, các loại cỏ củ, thân cây cỏ voi, mía đường, những loài này sẵn có ở địa phương. Hơn nữa, việc nuôi Dúi cũng ít tốn thời gian chăm sóc, mỗi ngày cho ăn 1 lần nên có thể kết hợp làm các công việc khác kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống gia đình. Anh Tuấn cho biết nuôi Dúi không cần nhiều vốn, tốn ít diện tích, thức ăn rẻ dễ kiếm. Hiện nay giá Dúi thịt trên thị trường là từ 180.000đ- 250.000đ/kg. Dúi giống 3 tháng tuổi là 400.000đ/đôi, Dúi trưởng thành đến thời kỳ sinh sản hơn 700.000/đôi. Kết quả sau 1 năm thả nuôi 20 con Dúi giống gồm 12 con cái và 8 con đực, anh Tuấn hiện có 96 con.
Anh Tuấn cũng cho biết thêm Dúi là động vật thuộc họ gặm nhấm phân bố ở hầu khắp các vùng nước ta. Hình thù bên ngoài Dúi không khác chuột là mấy nhưng khi trưởng thành trọng lượng của Dúi có thể đạt trên 2kg/con, trung bình từ 1,6 đến 1,7kg. Thịt Dúi thơm ngon và nhiều chất dinh dưỡng nên rất được ưa chuộng. Dúi trong tự nhiên đang khan hiếm dần do săn bắt do vậy mà việc nuôi Dúi nhằm bảo vệ một loài thú và cũng là để phát triển kinh tế gia đình đang được một số nơi làm bước đầu đem lại hiệu quả. Hiện nay Dúi thịt không đủ cung cấp cho thị trường nhất là các quán đặc sản đang có nhu cầu ngày càng cao cũng như thị hiếu ẩm thực của khách hàng. Con Dúi từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành có thể sinh sản được là 32 tuần (8 tháng), Dúi trưởng thành có chiều dài thân 25-35 cm, chiều dài đuôi 10-12 cm, đuôi không có lông. Trọng lượng 1,8-2 kg/con. Trước khi đẻ, Dúi cái thường nằm riêng ra một góc chuồng, khi đó nên tách Dúi ra một ô chuồng riêng để tránh bị các con Dúi khác tấn công. Chỉ nên để lại tối đa 3 con Dúi con để tránh việc chúng bú nhiều ảnh hưởng đến Dúi mẹ. Tuy nhiên, khi nuôi nên lưu ý khi Dúi con được ba ngày tuổi mới được sờ vào, bởi khi có hơi người Dúi mẹ sẽ cắn chết toàn bộ Dúi con mới sinh ra. Khi Dúi con được 30 ngày tuổi tiến hành tách mẹ, chọn những con đủ tiêu chuẩn làm giống, số còn lại nuôi đạt đến trọng lượng 1,6-2kg có thể đem bán thịt. Đặc biệt, nghề nuôi Dúi vừa giúp gia đình phát triển kinh tế mà không phải phụ thuộc vào điều kiện thiên nhiên, thời tiết như làm ruộng, vừa khắc phục được tình trạng khai thác và tận diệt nguồn thú hoang dã trong tự nhiên, góp phần bảo vệ được sự cân bằng về sinh thái.
Điều chúng ta dễ dàng nhận thấy nhất, qua mô hình nuôi con Dúi sinh sản của anh Tuấn, là con Dúi thuộc loài gặm nhấm (dòng họ chuột) nên rất dễ nuôi, ăn tạp, không bị mắc bệnh, giá trị kinh tế cao, ít gây ô nhiễm môi trường. Đây thật sự là một mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, cần sớm nhân rộng và được xem là một hướng thoát nghèo mới cho người dân./.