Trước đây người dân nuôi cá thường chủ quan cho rằng cá rô phi là đối tượng nuôi chịu đựng tốt điều kiện bất lợi của môi trường, nên thường nuôi cá rô phi trong các ao ô nhiễm nhẹ, hoặc các ao không có khả năng nuôi các đối tượng cá trắng khác. Nhưng trong vài năm gần đây khi nuôi cá rô phi thương phẩm trong mùa hè thường bị bệnh cấp tính do liên cầu khuẩn có tên khoa học là Streptococcussp. gây ra. Bệnh thường xảy ra ở hệ thống nuôi bán thâm canh, thâm canh giai đoạn cuối vào thời điểm thời tiết nắng nóng, khi cá đã nuôi lâu trong ao chứa nhiều chất hữu cơ.
Cá rô phi bị bệnh thường có triệu chứng:
Bơi thất thường, bơi xoẵn vặn, thân xuất hiện màu đen, lồi một bên hoặc 2 bên mắt, mắt kéo màng, hoại tử và dẫn đến mù, xuất huyết trên mang hoặc gốc các vây. Cá khó thở và mất khả năng định hướng trong nước. Mặc dù chúng vẫn còn đáp ứng với kích thích, nhưng khả năng điều chỉnh chuyển động kém.
Khi mổ cá thấy có hiện tượng: Lách, thận to ra và tụ máu, ruột tích khí, có chứa dịch màu vàng và không chứa thức ăn. Tổn thương các nội quan làm mất chức năng có thể dẫn đến chết.
Cá sống sót qua vụ dịch cũng có thể là nguồn dự trữ tác nhân nghiêm trọng. Streptococcus có thể được truyền thông qua sự tiếp xúc với cá bệnh hoặc qua thức ăn có chứa mầm bệnh.
Phòng bệnh: - Tránh thả cá quá dày, tránh cho thừa thức ăn và thật cẩn thận trong đánh bắt và di chuyển đặc biệt trong các ngày nắng nóng. Thường xuyên dùng chế phẩm sinh học để xử lý ao nuôi.
Khi bệnh xảy ra loại bỏ toàn bộ cá yếu, cá chết trong ao, lồng để tránh thiệt hại nghiêm trọng và dùng thuốc Erythromycine với liều 25-50mg/kg cá trong 5-7 ngày. Khi trộn thuốc với thức ăn cần được bao tẩm tránh tan thuốc vào nước.
Chú ý: Đối với cá rô phi bị bệnh này thường bị lồi mắt, bệnh xảy ra vào ngày nắng nóng do vậy không nên xử lý nước đang nuôi cá bằng vôi.