Theo nghiên cứu, tác nhân gây bệnh được xác định do vi khuẩn Vibrio parahaemolytics.
Vi khuẩn này đã bị nhiễm bởi một loại thể thực khuẩn (phagc) sinh ra độc tố cực mạnh gây hội chứng AHPNS cho tôm nuôi, đồng thời vi khuẩn này không mang gene TDH (gene gây dung huyết trực tiếp đề kháng với nhiệt độ) có khả năng gây bệnh cho con người.
Để phòng chống Hội chứng AHPNS có hiệu quả và giảm thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản, Cục Thú y đề nghị Chi cục Thú y, Chi cục Thủy sản các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện nhiều biện pháp.
Cụ thể, hướng dẫn các cơ sở nuôi tôm nên mua con giống từ các trại giống uy tín, đảm bảo chất lượng, có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y; chỉ sử dụng thức ăn đảm bảo chất lượng, đồng thời đảm bảo điều kiện môi trường nuôi tốt, tăng sức đề kháng cho tôm.
Ngoài ra, tôm mới thả phải được giám sát chặt chẽ, khi tôm có dấu hiệu khác thường phải báo ngay cho cơ quan thú y để kịp thời xử lý; đảm bảo thời gian bỏ trống ao định kỳ hoặc chuyển sang nuôi các đối tượng khác để cắt đứt vòng đời tác nhân gây bệnh.
Chi cục thú y, thủy sản và nuôi trồng thủy sản cần quản lý chặt việc vận chuyển tôm giống và tôm thương phẩm trong nước để tránh lây lan mầm bệnh; thực hiện nghiêm việc kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng thuốc, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản phải nằm trong danh mục được phép lưu hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Theo Cục Thú y, từ năm 2011, dịch bệnh mới gây Hội chứng AHPNS ở tôm nuôi đã gây thiệt hại lớn, trên diện tích rộng ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt nghiêm trọng là ở Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.
Dịch bệnh AHPNS tiếp tục xảy ra ở hầu hết các tỉnh ven biển trên cả nước và diễn biến hết sức phức tạp trong năm 2012.
Cục Thú y đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, chuyên gia trong và ngoài nước, dự án FAO hỗ trợ để nghiên cứu tác nhân, quá trình lan truyền bệnh, quy trình chẩn đoán và biện pháp phòng trị bệnh hiệu quả.