Lâm Đồng có nhiều huyện chuyên canh cây cà phê như Di Linh, Lâm Hà… Những năm trước, sau mùa thu hoạch có một lượng rất lớn phụ phế phẩm là vỏ cà phê, nhưng chủ yếu bị vứt bỏ ra môi trường hoặc đem đốt. Một số ít được tái sử dụng như đem bỏ vào gốc cà phê hoặc trộn chung với một số loại phân chuồng rồi đem bón cho cây…
Chính vì vậy, việc không xử lý vỏ cà phê đúng cách đã góp phần gây lãng phí, ô nhiễm môi trường và phát tán mầm bệnh cho vụ càphê năm sau.
Huyện Di Linh phối hợp với Viện Nông Lâm nghiệp Trung ương và một số trường đại học chuyên ngành mở 150 lớp, mỗi lớp học 50 người, chuyển giao ứng dụng khoa học ủ men vi sinh từ vỏ cà phê cho nông dân. Kết thúc khóa học, nông dân trực tiếp làm tại hộ gia đình.
Sau khoảng 3 tháng, nông dân áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật ủ vỏ cà phê, kết hợp với sử dụng đúng loại men vi sinh có chất lượng tốt, sẽ cho một loại phân hữu cơ sinh học có hàm lượng các chất dinh dưỡng cao hơn phân chuồng loại tốt: lượng Kali gấp ba lần và lượng lân gấp 1,5 lần. Với 1 tấn vỏ cà phê kết hợp với phân chuồng và một số loại phân khác, nông dân có thể tự sản xuất ra 5m3 phân vi sinh.
Đến nay, nông dân đã phổ biến, nhân rộng ra toàn huyện nhiều mô hình làm phân từ vỏ cà phê phát huy hiệu quả, nhất là các mô hình ở những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Hiện nhiều địa phương, nhà máy trong tỉnh Lâm Đồng cũng đã áp dụng biện pháp này.