Yến làm tổ bằng chính nước bọt của chúng tiết ra rồi tự kéo thành sợi nhỏ, cuộn lại giống hình vỏ sò gọi là yến sào (tổ yến). Sau khi chế biến, nó sẽ trở thành một loại thực phẩm quý hiếm mà xưa kia từng được xếp vào hàng “bát trân”, chỉ có các bậc đế vương, quý tộc mới được thưởng thức. Nghề lấy tổ yến ngoài biển đảo rất vất vả, nguy hiểm vì phải leo lên giàn giáo cao, còn tổ yến trong nhà rất dễ khai thác, chỉ cần biết bóc tách sao cho tổ còn nguyên vẹn là được. Nghề nuôi yến đã có lịch sử phát triển hơn 100 năm tại Indonesia và Malaysia, trở thành một ngành kinh tế mạnh của hai nước này. Riêng Việt Nam, môi trường tự nhiên thuận lợi, yến tập trung sinh sống nhiều ở các vùng đảo nhưng nghề nuôi yến mới chỉ bắt đầu phát triển khoảng chục năm trở lại đây.
Chim yến ưa sự yên tĩnh hoang sơ, chúng thường đến trú ngụ ở các ngôi nhà cũ, ít sử dụng. Do vậy, bước đi đầu tiên để phát triển nghề này là cải tạo nhà yến cũ, bảo tồn và phát triển nhà yến. Cách làm hữu hiệu nhất trong thời gian đầu là không thu hoạch tổ hoặc chỉ thu hoạch tổ một cách chọn lọc sau khi chim con bay hết và có biện pháp chính xác sửa chữa ngôi nhà có yến đang ở. Tại Indonesia, Malaysia, Thái Lan đều nhấn mạnh nguyên tắc là phải kiểm tra nhà yến một cách đều đặn và chỉ thu tổ sau khi chim con có thể bay và tự lo cho mình (khoảng 2 tháng tuổi).
Bước tiếp theo là xây dựng nhà yến mới. Khi những ngôi nhà cũ đã có đàn chim khá đông, nếu muốn tăng nhanh sản lượng, theo kinh nghiệm của một số nước nên phát triển theo kiểu “vết dầu loang”, nghĩa là xây thêm các nhà yến gần với nhà và nơi đã có yến sinh sống, dẫn dụ được một số chim vào làm tổ trong nhà mới, và cứ như vậy loang dần ra…
- Tổ giả: tùy vào từng điều kiện, môi trường đầu tư hoặc căn cứ vào mùa bắt đầu đầu tư để cân nhắc nên hay không nên đóng một số ít tổ giả xung quanh một số loa được gắn bên trong nhà. Chúng ta không nên lạm dụng sử dụng tổ giả nếu chúng ta chưa hiểu hết tác dụng của nó đối với bản chất sinh sống của loài chim yến, yến sẽ có cảm giác khó chịu, giảm hiệu quả bầy đàn cũng như năng suất làm tổ…
- Loa trong nhà: Việc thiết kế và bố trí hệ thống loa trong nhà là rất quan trọng. Hệ thống phải được thiết kế làm sao sử dụng được nhiều chế độ tiếng khác nhau trong từng thời điểm trong ngày và đêm. Đặc biệt việc bố trí hợp lý để tạo hiệu ứng bầy đàn hiệu quả nhưng phải tiết kiệm tối đa khi chúng ta đầu tư. Tránh việc chúng ta tìm hiểu qua loa và suy diễn, tự đầu tư, tự gắn, tự điều chỉnh công suất làm giảm độ bền của loa dẫn đến việc tốn kém chi phí (vì phải thay loa thường xuyên) không những ảnh hưởng đến việc đầu tư mà còn ảnh hưởng đến việc duy trì bầy đàn của yến.
- Khử mùi: căn cứ vào từng vùng và mật độ yến cũng như khả năng đầu tư ban đầu để sử dụng đúng loại mùi kích thích, tạo mùi bầy đàn hợp lý để tạo môi trường thân thiện và làm cho yến tưởng có “bạn” đã ở sẵn. Sử dụng chất lỏng phun xung quanh tường, bột khô rải sàn nhà,…
- Loa ngoài: dùng tiếng kêu bên ngoài và trong nhà để dẫn dụ chim, có nhiều cách sử dụng giàn máy tự động và cài đặt các chế độ hợp lý theo từng chương trình hẹn giờ để thu hút chim được hiệu quả. Mặt khác, nhằm hạn chế tối đa về việc ảnh hưởng từ tiếng thu hút chim đến các gia đình bên cạnh và môi trường xung quanh. Căn cứ vào các vùng miền và mức độ, điều kiện thuận lợi của những bầy đàn hoặc khu vực mà chúng ta đầu tư để thiết kế công suất máy phát hợp lý, đạt hiệu quả thu hút và dẫn dụ chim về.
- Cây tạo côn trùng: trồng các loại cây để tạo côn trùng cho chim thích như: cây sung, cây táo nhơn. Cây được trồng xung quanh nhà hoặc vùng bay lượn của chim. Làm như thế sẽ thu hút được yến về rất đông (ngoài ra chúng ta cũng có thể dùng bột tạo côn trùng nếu cần).
- Máy phun sương: nhằm giữ nhiệt độ và độ ẩm bên trong nhà chim (60-95% / 26 – 31 độ C). |