Cây xoài cũng như bao cây trồng khác cần phải được đầu tư và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh tốt mới có thể ra hoa đậu quả nhiều. Nhưng bên cạnh đó có một số cây xoài, giống xoài dù đã được trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật nhưng vẫn không ra hoa hoặc ra hoa rất ít. Đa số các trường hợp xoài không ra hoa hoặc ra hoa ít là do chúng phát triển quá mạnh, chỉ muốn phát triển lá mà không muốn ra hoa. Khi ấy cần thiết phải dùng các biện pháp xử lý để giúp chúng ra hoa. Một phương pháp kích thích xoài ra hoa dưới đây đã được một số chủ trang trại trồng xoài Phường Bùi Thị Xuân, và Thôn Hòa Đại xã Cát Hiệp áp dụng bước đầu thành công.
DÙNG THUỐC paclozabutrazol KÍCH THÍCH RA HOA KẾT HỢP PHUN THIOUREA HOẶC KNO3
Paclozabutrazol
Paclozabutrazol là hóa chất kích thích xoài ra ít mầm lá và ra nhiều mầm hoa hơn. Paclozabutrazol thường được xử lý trong đất hoặc xử lý trên gốc cây. Nhưng loại hóa chất này tồn dư trong đất rất lâu nếu xử lý trong đất trong thời gian dài có khả năng ô nhiễm đất cho nên xử lý trên gốc cây sẽ ít ô nhiễm hơn.
Paclozabutrazol là hóa chất có công dụng rất tốt được dùng đúng theo hướng dẫn, nếu dùng sai có thể gây tác hại lâu dài cho cây trồng. Không nên xử lý hóa chất này trên những cây còi cọc, không đủ sức hoặc những cây đã cho quả đều ngoại trừ trường hợp muốn xử lý cho ra trái vụ. Theo phương pháp trình bày trong tài liệu này, không được kích thích cho xoài ra hoa sau khi đã xử lý trong 3 năm liên tiếp trước đó. Sau khi đã xử lý được 3 năm, không nên xử lý nữa, ít nhất là một năm. Nếu những cây đã xử lý vẫn tiếp túc ra hoa tốt thì không cần thiết phải xử lý lại.
Thiourea hoặc KNO3
Có thể dùng một trong hai loại thuốc này để kích thích ra hoa đồng loạt, phun lên lá cây trước khi ra hoa. Khi phun một trong hai loại thuốc trên nếu không xử lý Paclozabutrazol trước đó cũng có một số kết quả nhất định, nhưng nếu sử dụng Paclozabutrazol và một trong hai loại thuốc trên sẽ cho kết quả tốt nhất.
NỒNG ĐỘ VÀ PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ
1. Xử lý bằng Paclozabutrazol:
Trước thời gian thu hoạch dự kiến 8 tháng thì tiến hành xử lý. Quá trình tỉa cành tạo tán, bón phân, tưới nước đầy đủ bình thường sẽ tạo ra đợt lá già trước khi xử lý. Trong thời gian sau khi đã bón phân sau khi thu hoạch đến khi đậu quả, không nên bón thêm phân cho cây. Bất kỳ hình thức tác động nào kích thích cây phát triển giữa lúc xử lý cho đến khi ra hoa đều làm giảm tác dụng của Paclozabutrazol.
Khoảng sáu đến sáu tháng rưỡi trước thời gian ra hoa dự kiến, nên tiến hành xử lý Paclozabutrazol lên gốc cây theo nồng độ và phương pháp sau:
Paclozabutrazol - trên thị trường có nhiều sản phẩm mang tên thương mại khác nhau. Theo tài liệu này chúng tôi dùng Bidamin. Đây là gói 40 gam có chứa 15% hoạt chất Paclozabutrazol. Một số sản phẩm khác có nồng độ 10% hoặc 25%, do vậy cần phải thay đổi lượng thuốc dùng theo đúng tỷ lệ.
* Với phương pháp xử lý này ta sẽ chế dung dịch thuốc lên gốc cây, do vậy điều rất quan trọng là phải dùng bàn chải răng sắt chà sạch phần vỏ cây từ mặt đất lên khoảng 70cm để vỏ cây dễ dàng hấp thụ thuốc hơn. Nếu chà không sạch, đất hay rêu mốc còn bám trên vỏ cây sẽ hạn chế quá trình thuốc thấm vào vỏ
* Pha theo tỷ lệ sau: 1 gói Bidamin pha với một lít nước trong xô. Khuấy vừa để thuốc tan đều.
* Dùng cưa tỉa cành cưa một đường tròn giáp vòng ở vị trí cách mặt đất khoảng 50cm - 70cm, cưa đứt phần vỏ đến khi đụng phần gỗ bên trong, không được cưa sâu vào phần gỗ. Dùng bàn chải răng sắt chà sạch mùn cưa chỗ đường cắt.
* Dùng ca lấy ra nửa lít dung dịch trong xô. Ở vị trí khoảng 10 - 20cm phía trên vết cắt, từ từ chế đều dung dịch lên xung quanh vỏ để dung dịch thấm vào vết cắt và chảy leo xuống vỏ và mặt đất. Lưu ý rằng nửa lít này chỉ dùng cho những cây 7 hoặc 8 năm tuổi phát triển sinh trưởng tốt, trường hợp cây có kích cỡ lớn hơn hay nhỏ hơn thì nên gia giảm lượng dung dịch này. Ngoài ra, một số vùng có cấu trúc đất thô, đất cát chẳng hạn, thì lượng thuốc cây hấp thụ sẽ nhiều hơn. Do vậy cần điều chỉnh lượng thuốc bằng cách thêm nước vào; chẳng hạn 1 gói có thể pha trong 2 lít nước rồi lấy nửa lít để tưới cho 1 cây; vậy 1 gói thuốc xử lý được 4 cây.
* Ghi chép lại ngày đã xử lý
2. Phun thuốc kích thích ra hoa
Hai tháng rưỡi sau khi đã xư ý Paclozabutrazol, nên phun thuốc để kích thích để cựa hoa mọc lên.
Có thể dùng một trong hai loại thuốc sau:
* KNO3 - pha 100gram KNO3 trong 8 lít nước rồi phun lên cây. Sau khi phun khoảng 25 ngày thì sẽ nhú cựa hoa (cựa gà)
Hoặc - Thiourea
Pha 40gram Thiourea trong 8 lít nước rồi phun lên cây. Sau khi phun khoảng 12 ngày thì sẽ nhú cựa hoa.
Lưu ý: đôi khi cũng thấy xuất hiện lá non.
MỘT SỐ ĐIỂM QUAN TRỌNG CẦN CHÚ Ý KHI SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP NÀY
1. Không xử lý Paclozabutrazol quá gần thời điểm ra hoa tự nhiên. Khoảng cách từ khi xử lý Paclozabutrazol đến khi ra hoa là hai tháng rưỡi để đảm bảo cây hấp thụ đủ thuốc và thay đổi quá trình sinh lý của cây, làm cho chúng sản sinh ra mầm quả. Xử lý muộn có thể không phát huy tác dụng.
2. Nếu tỷ lệ đậu quả kém trên những cây đã xử lý thì có thể cắt bỏ phát hoa tại gần gốc phát hoa. Sau đó tiến hành phun lại KNO3 hoặc Thiourea để kích thích xoài ra phát hoa mới.
3. Lưu ý không được xử lý những cây không đảm bảo sức khỏe và những cây đã được xử lý trong ba năm liên tiếp trước đó. Nếu trên những cây xử lý ra ít đọt non thì nên ngừng sử dụng Paclozabutrazol cho đến khi cây hồi lại sức như lúc đầu.
4. Để có được vụ xoài bội thu, điều thiết yếu cần phải tiến hành là phun thuốc phòng trừ sâu bệnh gây hại cho hoa, quả, bảo đảm có các côn trùng đến thụ phấn, chăm sóc đầu tư cho cây thích đáng bằng việc bón phân, tưới nước, tỉa cành tạo tán đúng thời gian và đúng quy cách.