Để gieo cấy nấm xanh, người dân cần
chuẩn bị nguyên liệu gạo tấm và nấm gốc, các dụng cụ gồm nồi hấp, tủ
cấy, bọc nilon và ống nhựa. Tấm được ngâm trong nước rồi cho vào nồi
hấp, sau đó trộn với nấm gốc, cho vào bọc nilon và ủ trong vòng 14 ngày.
Nấm thành phẩm được lọc lấy nước, trộn với chất bám dính và nước để
phun trên ruộng. Do nấm thành phẩm có màu xanh nên được nông dân gọi là
nấm xanh.
Nấm xanh được phun hai lần trong một vụ
lúa, lần 1 vào lúc cây lúa được 25-30 ngày, lần hai vào lúc cây lúa
50-55 ngày. Chi phí gieo cấy nấm xanh khoảng 100.000 đồng/ha, giảm
khoảng 5 lần so với việc sử dụng thuốc trừ sâu, tiết kiệm cho người nông
dân từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng/ha trong một vụ lúa. Nấm xanh khi
phun vào cây lúa sẽ ký sinh và phát triển trên cơ thể côn trùng, làm côn
trùng bị tiêu diệt, nhất là các loại rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu keo.
Bà Lê Thị Như Thùy, Chi cục phó Chi cục
Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, cho biết dự án ứng dụng nấm xanh trên
cây lúa được Chi cục thực hiện từ vụ lúa Đông Xuân 2010-2011 ở 8 điểm,
sang vụ Hè Thu năm 2011 thực hiện ở 12 điểm. Người dân được hỗ trợ
nguyên liệu, vật liệu và được hướng dẫn cách gieo cấy nấm, sử dụng trên
ruộng.
Vụ lúa Đông Xuân 2012, Chi cục thực hiện
17 điểm gieo cấy nấm xanh dùng cho khoảng 250ha, hỗ trợ một phần nguyên
liệu và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân. Ở những điểm thực hiện gieo
cấy nấm xanh trong các vụ trước, người dân đã tự gieo cấy nấm xanh để
dùng trên ruộng lúa.
Do nấm xanh đạt hiệu quả cao trong việc
phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa, lại không ảnh hưởng đến sức khỏe người
sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường trên đồng ruộng, nhất là giảm chi
phí sản xuất cho người nông dân, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang
đang có hướng mở rộng mô hình gieo cấy nấm xanh, hướng dẫn cho nhiều
nông dân biết cách thực hiện và sử dụng nấm xanh trong những vụ lúa tới.