Những năm qua, ngoài những mô hình chăn nuôi bò, cá lóc, gà vịt thì nông dân xã long mỹ còn mạnh dạn kết hợp với những mô hình trồng trọt cây ăn trái, rau củ và hoa màu. Điển hình như mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới, hoa lan và hoa cát tường đã được đưa vào triển khai và trồng trọt. Bước đầu các mô hình này đã đem lại hiệu quả và nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Với sự hỗ trợ của phòng nông nghiệp huyện, 7 mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới được bà con nông dân trồng trọt có hiệu quả. Nhiều bà con nông dân chia sẻ lợi ích của mô hình này là khi trồng rau trong nhà lưới: giảm ánh nắng, độ nóng trực tiếp, tiết kiệm được điện, nguồn nước tưới; khi thời tiết xấu có mưa, rau sẽ không bị dập úng, vì có màng lưới ngăn cản; số lượng thuốc trừ sâu bọ được hạn chế rất nhiều, thậm chí không dùng, bởi vì, màng lưới đã ngăn côn trùng, sâu bọ vào phá hoại. Từ đó, công sức và chi phí cho việc trồng rau rất ít mà sản lượng lại tăng cao. Ông Nguyễn Văn Hai, sinh năm 1956 được phòng nông nghiệp hỗ trợ 30 triệu đồng để xây dựng dàn lưới vào cuối năm 2013. Với diện tích gần 1.000m2, ông trồng đủ loại hoa màu, từ rau muống, cải thìa, mồng tơi đến xà lách, bắp cải. Cứ mỗi loại rau, hàng ngày, ông thu hoạch hơn 20 kg để bỏ mối cho bạn hàng và bán cho người tiêu dùng tại chợ Phước Hải. Thời tiết lạnh rất thuận lợi cho rau ăn lá phát triển, vì thế, mùa tết vừa rồi, vườn rau của gia đình ông phát triển rất tốt và thu nhập kinh tế gia đình từ đó cũng tăng lên.
Mô hình hoa lan, tại xã có gần 10 hộ trồng. Bà Lữ Thị Huyền, sinh năm 1963, ấp Mỹ Thuận đã mạnh dạn chuyển đổi từ công việc nấu rượu, nuôi heo sang trồng hoa lan. Cùng với sự hỗ trợ vốn của phòng nông nghiệp, bà quyết định đầu tư hơn 300 triệu đồng vào hơn 2.000 m2 diện tích đất, 30.000 chậu hoa các loại. Với qui mô trồng khá lớn và đa dạng chủng loại, hàng tuần vườn lan của bà cung cấp hoa đều đặn cho các shop hoa ở thành phố Bà Rịa. Đặc biệt là vào các ngày lễ, tết, ngày rằm, 30, nhu cầu mua hoa lan để trưng chế, trang trí nhà cửa của bà con nhân dân các địa phương lân cận như Phước Hội, Phước Hải, Lộc An tăng cao. Sau khi tính toán, trừ các chi phí và vốn ban đầu, bà thu lãi hơn 100 triệu đồng/1năm. Vừa qua, bà vinh dự nhận danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Mô hình trồng hoa cát tường được triển khai trong thời gian gần đây cũng được bà con nông mặn mà lựa chọn. Ông Nguyễn Duy Tân, sinh năm 1963, ấp Mỹ Hòa là 1 trong 5 hộ được phòng nông nghiệp hỗ trợ 100% vốn, cây giống và dàn lưới trồng hoa. Với diện tích 120 m2, gia đình ông trồng 1.500 chậu hoa cát tường. Nhờ chịu khó chăm sóc phân bón, tưới tiêu, các chậu hoa cát tường xanh tốt, nở nhiều hoa, màu sắc đẹp. Tết Giáp Ngọ, gia đình ông mang cát tường bán tại các chợ, với giá 30 - 50 ngàn đồng/1 chậu. trừ các chi phí, gia đình cũng có lãi. Tuy nhiên, ông cho biết giá hoa năm 2014 không cao bằng những năm trước, cho nên số tiền lời không nhiều. Trong thời gian tới, gia đình ông sẽ tăng thêm diện tích, số chậu hoa cát tường để bán phục vụ cho người tiêu dùng. So với những loại hoa khác, trồng cát tường khó nhưng giá thành cao hơn.
Cùng với trồng hoa, gia đình ông còn nuôi cá và gà Đông Cảo. ông cũng tiết lộ kế hoạch rằng, trong thời gian tới, nếu được hỗ trợ vốn, gia đình ông sẽ thành lập trang trại gà để tăng thêm thu nhập cho gia đình, cải thiện đời sống và tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn.
Ngoài những hộ này, còn nhiều hộ nông dân khác đang đầu tư hàng tỷ đồng vào hàng trăm héc ta diện tích trồng trọt trên địa bàn xã. Điều này đã chứng minh rằng mô hình trồng trọt đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế cho bà con nông dân. Nếu những mô hình này tiếp tục phát triển và nhân rộng sẽ góp phần rất lớn vào việc tạo công ăn việc làm cho các lao động nông thôn và giúp người nông dân có cơ hội làm giàu chính đáng và bền vững; đặc biệt là góp phần thực hiện tiêu chí thứ 10 tăng thu nhập trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới của xã.